(HNM) - Hoạt động tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian qua còn không ít bất cập, nhiều vụ việc đến nay vẫn gây bức xúc trong dư luận.
Việc “nâng đời” chùa Trăm Gian để lại bài học đau xót về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Ảnh: Doãn Hoàng |
Trùng tu quá tay, tôn tạo quá đà
Phân tích các văn bản pháp luật hiện nay, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, so với các hiến chương, văn kiện quốc tế, văn bản quy định về bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích của Việt Nam rõ chi tiết, cụ thể hơn. Chẳng hạn, Thông tư số 18/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định rõ các tổ chức, cá nhân khi tham gia lập quy hoạch, dự án tu bổ di tích phải có chứng chỉ hành nghề… Tuy nhiên, vi phạm trong hoạt động bảo tồn di tích thường xuyên xảy ra. Theo ông Lưu Trần Tiêu, nguyên nhân là một bộ phận không nhỏ người dân và cả người tham gia công tác quản lý, bảo tồn nhận thức không đầy đủ, không đúng về giá trị di tích. Mục đích của bảo tồn là kéo dài tuổi thọ của công trình, thể hiện được giá trị tiềm ẩn của di tích gốc. Tuy thế, tâm lý khá phổ biến hiện nay, thể hiện ở một số địa phương có dự án bảo tồn, là muốn làm mới di tích, thậm chí là làm với quy mô hoành tráng.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, nói: "Chúng ta đang trùng tu quá tay, tôn tạo quá đà. Ở Huế, hiện có nhiều lăng tẩm đang bị đổ nát, cần tu bổ nhưng người ta lại bỏ tiền ra để khôi phục khu Trường Lang - kiến trúc phụ, thậm chí còn sơn son thếp vàng rất tốn kém". Theo GS Hoàng Đạo Kính, căn bệnh "nâng đời di tích" đang tồn tại là nguyên nhân chủ yếu khiến di tích mới ngày một nhiều lên. Mặt khác, theo PGS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, trước đây triều đình ban sắc phong cho di tích bao giờ cũng kèm theo ruộng đất để lấy nguồn lực nâng cấp, giữ gìn di tích. Còn hiện nay, việc công nhận di tích đơn giản chỉ là một tấm bằng mà thôi. Di tích không có kinh phí "bảo dưỡng" thường xuyên, tất yếu nhanh xuống cấp, hư hỏng nặng, mà khi đã bị hư hỏng, biến dạng thì rất khó có thể tu bổ, phục dựng lại như cũ.
Di tích Thành nhà Mạc (Tuyên Quang)... gần như mới hoàn toàn sau khi được trùng tu. Ảnh: Minh Hải |
Đề cao tính chuyên nghiệp
Trong khi phong trào "nâng đời di tích" diễn ra ở nhiều địa phương, điều gây quan ngại là một số di tích quan trọng lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Khi khu di tích thành cổ ở Ninh Bình được phát hiện, người ta có làm mái che, hiệu quả bảo vệ, bảo tồn đến đâu không rõ, chỉ biết di tích giờ như hố bùn. Về thực trạng này, PGS Phạm Mai Hùng cho rằng, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một số người tham gia công tác quản lý, bảo tồn còn đáng lo ngại hơn cả thiếu tiền, thiếu thợ, thiếu chính sách… Thiếu đạo đức nghề nghiệp nên mới có chuyện người làm công tác khảo cổ cũng tham gia vào công tác bảo tồn, tôn tạo di tích; thiếu đạo đức nghề nghiệp nên đình Ngu Nhuế (Hưng Yên) mới bị phá sập, rồi di chuyển sang vị trí mới; Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) mới biến thành "lò gạch"…
Chia di tích thành hai nhóm (di tích "chết" và di tích "sống"), KTS Hoàng Đạo Kính kiến nghị: "Các cơ quan chức năng cần rà soát tất cả di tích để phân cấp bảo tồn, tôn tạo, từ đó có cách ứng xử phù hợp. Di tích "sống" cần được quan tâm tu bổ, tôn tạo; với di tích "chết", nên giảm thiểu việc xây dựng thêm công trình phụ trợ, bởi cái chúng ta muốn lưu giữ chính là những dấu ấn lịch sử mà di tích đó là chứng nhân". Ủng hộ quan điểm này, KTS Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đưa ra ý kiến: "Chúng ta cần có đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác bảo tồn di tích. Cả nước hiện có tới 20 trường đào tạo kiến trúc sư nhưng chưa có trường nào đào tạo kiến trúc sư bảo tồn. Đó là hạn chế lớn".
Dưới góc nhìn của người làm công tác quản lý di tích nhiều năm, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam TS Đặng Văn Bài khẳng định: Tu bổ, tôn tạo di tích khác với xây dựng cơ bản. Trước khi tiến hành tu bổ, tôn tạo, phải xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; phải tiến hành trao đổi rộng rãi để có thể tạo ra được sự đồng thuận tương đối.
Trên thực tế, hoạt động tôn tạo, xây mới di tích đã được thực hiện từ lâu. Ví dụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070 dưới triều Lý, được mở rộng vào năm 1253 đời Trần, bổ sung bia tiến sĩ năm 1484 thời Lê sơ, xây dựng Khuê Văn Các vào năm 1805 dưới thời Nguyễn… Thực tế cho thấy dù là thời nào, triều đại nào thì di tích cũng có sự "vận động" nhất định. Điều quan trọng là việc tôn tạo, xây mới phải hướng tới mục tiêu cơ bản, có ý nghĩa bao trùm là giữ được phần hồn, phần tinh túy của di tích và được cộng đồng chấp nhận.
Cả nước hiện có hơn 6.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.000 di tích quốc gia, 34 di tích quốc gia đặc biệt. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, từ năm 1994 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp hàng trăm tỷ đồng, người dân các địa phương đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo thành công, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Sóc, đình Chu Quyến (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Đồng (Quảng Ninh)… nhưng cũng có không ít di tích bị biến dạng do cách tu bổ, tôn tạo không hợp lý như Thành nhà Mạc (Tuyên Quang), chùa Nôm (Hưng Yên), tháp Chăm (Quảng Nam)… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.