Công nghiệp văn hóa

Chùa Trầm, chùa Trăm Gian: Từ truyền thuyết đến giá trị văn hóa truyền thống

Hoàng Sơn (lược ghi) 23/09/2024 - 11:00

Chùa Trầm, chùa Trăm Gian nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Các ngôi chùa trong khu vực được khởi dựng từ sớm và có giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc.

chua-tram-2.jpg
Chùa Trầm ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ là điểm đến văn hóa ấn tượng. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Mới đây, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian", các nhà khoa học, nhà quản lý đều nhận xét hai di tích này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần thiết được bảo vệ, tôn tạo để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Để hiểu rõ hơn các giá trị của cụm di tích, Báo Hànộimới xin trích đăng tham luận của nguyên Phó Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Đặng Bằng.

Truyền thuyết trong dân gian

Theo các công trình nghiên cứu, vùng núi đá vôi Sài Sơn - Tử Trầm thuộc huyện Quốc Oai và huyện Chương Mỹ thường được gọi là “Cụm núi sót Thập lục kì sơn”. Quần thể núi đá này gồm các núi đá ở Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá, Yên Sơn, chạy qua Đồng Lư xuống cụm núi Tử Trầm, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Núi non ở đây được ví như “Phượng hoàng tung cánh”, “ Rồng vờn châu ngọc”. Vào thời hậu Lê, vua chúa còn cho đào sông uốn lượn quanh các chân núi để thuyền rồng du ngoạn... Núi Trầm có chùa Trầm, hang Trầm, chùa Vô Vi... Nhìn từ xa, núi Trầm có 5 ngọn giống như 5 con chim phượng hoàng từ trên trời sà xuống. Người xưa cho rằng, núi Trầm chính là sao Tử vi ở trên trời rơi xuống hóa thành 5 ngọn núi lớn, đó là Tử Trầm sơn - núi Trầm - tên chữ là ngũ nhạc sơn.

chua-tram.jpg
Chùa Trầm lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Nhìn tổng thể, núi Trầm xưa nằm sát hữu ngạn sông Đáy, nổi lên giữa cánh đồng lúa bằng phẳng, lại rất gần kinh thành Thăng Long xưa, nên di tích này rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Chùa Trầm (Long Tiên tự) và hang Trầm (Long Tiên động) là khu trung tâm. Chùa Long Tiên tự được xây dựng từ thời Cảnh Trị (1662-1670). Long Tiên động là thắng cảnh bậc nhất của chùa Trầm. Cửa động như miệng rồng ngậm ngọc. Tại đây, thời nhà Lê Chính Hòa thứ 17 (năm 1696) đã cho tạc 48 tượng Phật bằng đá, gốm: Tượng La Hán, tượng võ sĩ... chạm khắc tinh xảo. Trong động có chuông đồng, khánh đá, trống đá. Ba nhạc khí này khi đánh rung lên âm thanh trầm hùng trong hang đá.

Nói đến chùa Trầm không thể không nhắc tới chùa Vô Vi. Núi Vô Vi tách ra khỏi núi Trầm, còn gọi là núi Trạo. Theo truyền thuyết, chùa Vô Vi được một vị tướng thời Đinh về đây ở ẩn, xây chùa. Vào thời Tiền Lê (960-1004) chùa được xây dựng dưới chân núi, được gọi là Trai Linh tự… Dưới chân núi Vô Vi, vòng theo chân núi Phượng Hoàng còn có hang Bảy cửa, hang đã bị phá nhưng vào hang còn sâu hun hút. Tại đây có am bà Chúa từng công đức xây chùa Vô Vi. Gần đó có bến tắm, tương truyền xưa kia các ông hoàng, bà chúa về chùa thường tắm gội. Gần đó còn hang Sư, hang Nước, Quán trần (không có mái che), có bia “Cao Sơn thần từ”, khắc năm Hồng Thuận thứ 5 (năm 1513) do nhà sử học Lê Tung soạn bia.

Từ cụm núi đá Sài Sơn, theo hữu ngạn sông Đáy, qua núi Hoàng Xá đến núi Quán Sáo, rồi đến quả núi đất đồ sộ Đồng Lư (thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) nhìn về hướng chùa Trầm có ngọn núi đất, cao khoảng 50m, đó là núi Mã. Chùa Trăm Gian được xây dựng trên quả núi này. Dân gian còn gọi chùa này là chùa Sở, thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Chùa có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”.

chua-tram-gian.jpg
Tại chùa Trăm Gian còn lưu giữ nhiều kiến trúc độc đáo từ thế kỷ XVI-XVII. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Truyền thuyết cho rằng, chùa Trăm Gian được xây dựng vào thời nhà Trần. Người đứng ra khởi công xây chùa là ngài Nguyễn Bình An người làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ngài sinh năm Tân Tỵ (năm 1281) niên hiệu Thiệu Bảo thứ 3 đời vua Trần Nhân Tông. Thời còn trẻ, ngài gặp được Thiền sư Phạm Cốc hiệu là Đồng Nhân tu hành ở chùa Tràng An thuộc núi Đồng Nanh, xã Tiên Lữ. Sau khi Thiền sư Phạm Cốc mất, ngài trở về chùa Tiên Lữ. Thiền sư Nguyễn Bình An được người đương thời ca tụng biết hô phong hoán vũ, cầu đảo. Khi xây chùa, ngài thường nấu những nồi cơm “Thạch Sanh”, tuy nhỏ nhưng đủ cho cả tốp thợ ăn. Sau này giặc Minh phá chùa, ngài còn làm ra “trận mưa máu”. Quân giặc khiếp sợ, phải dừng tay và làm lễ tạ. Ngôi chùa vốn lâu đời, cũ nát nên ngài hưng công làm mới, gọi là “Quảng Nghiêm tự” hay là chùa Trăm Gian ngày nay.

Dấu tích kiến trúc thời Trần còn lại là đôi rồng đá. Đôi rồng này được bài trí qua gác chuông, sân gạch để lên chùa chính… Trong chùa hiện có một chuông đồng, một khánh đồng và 14 tấm bia đá. Đây là những di vật quý, có niên đại tạo tác cho biết nhiều thông tin về ngôi chùa và quá trình tu bổ qua các thế kỉ khác nhau, như khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (năm 1750), chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), bia “Quảng Nghiêm tự bi” dựng năm Hoằng Định thứ 4 (1603), bệ gạch đất nung ở Tam bảo thời vua nhà Mạc...

Ngoài công lao đứng ra hưng công xây dựng chùa vào thời nhà Trần của Thiền sư - Đức Thánh Nguyễn Bình An (có tượng thờ trong khám bên trái thượng điện), chùa Trăm Gian còn có công tu sửa lớn của Đô đốc Đông Lĩnh Hầu Đặng Tiến Đông thời Tây Sơn.

Về sự đóng góp công sức tu bổ chùa Trăm Gian của Đô đốc Đông Lĩnh Hầu Đặng Tiến Đông, sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư sử học Phan Huy Lê viết: “Đặng Tiến Đông cũng như tổ tiên của ông là những người sùng Phật. Ông rất gắn bó với chùa Trăm Gian (tức chùa Quảng Nghiêm) và làng Tiên Lữ”.

Sau khi vua Quang Trung từ trần năm 1792, bà Mậu chiêu Đặng Thị Văn xin xuất gia tu tại chùa Quảng Nghiêm. Tiếp tục việc làm của tổ tiên, bà cùng Đặng Tiến Đông đã sửa chữa lại ngôi chùa, đúc chuông (năm 1794) và cúng thêm 400 quan tiền, 8 mẫu ruộng. Ông còn mua 2 phiến đá chở từ Đông Triều về, một phiến biếu nhà chùa làm bia “Đức Thánh Bối”, một phiến để sau khi ông chết làm bia hậu cho ông...

gac-chuong-o-chua-tram-gian.jpg
Gác chuông 2 tầng chùa Trăm Gian - một trong những gác chuông cổ nhất ở Việt Nam còn sót lại cho đến ngày nay. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Chùa Trăm Gian đã trải qua nhiều lần tu bổ. Cuối đời Trần, sang thời Hồ (1400-1407), giặc Minh sang xâm lược nước ta. Chúng đốt phá chùa Trầm, sở dĩ chúng không hủy hoại được chùa, theo người xưa vì có Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An âm phù, giặc Minh khiếp sợ không dám tàn phá chùa. Theo bia đá lập năm Hoằng Thịnh thứ 4 thì năm 1577 chùa Trăm Gian được tu bổ lớn. Năm 1794, Đô Đốc Đông Lĩnh Hầu Đặng Tiến Đông hủy công tu bổ nhiều hạng mục chùa và đúc chuông. Năm 1936, chùa lại được trùng tu lớn. Những năm 1966, 1994, 1995 chùa cũng được trùng tu các hạng mục Tam quan, Điện thánh, nhà hậu... Đó là những công đức, công sức lớn lao tâm huyết của các nhà hảo tâm, của nhân dân và nhà chùa cho sự tồn tại và duy trì đạo Phật của chùa.

Gắn với giá trị văn hóa của người dân Chương Mỹ

Chùa Trầm, chùa Trăm Gian là những cổ tự, danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở nước ta. Những ngôi chùa cổ kính lại được cổ nhân xây dựng vào địa thế đắc địa, có núi non, sông nước, lại gần kinh thành xưa, Thủ đô ngày nay nên nhiều người biết tiếng, tìm đến đây lễ Phật và thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

khanh-dong.jpg
Khánh đồng trong Long Thiên động trong cụm di dích. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Trong tâm thức và chuyện kể của người dân vùng chùa Trầm, xưa kia chùa Trầm là chốn linh thiêng, là nơi lễ Phật và du ngoạn của Vua Lê, chúa Trịnh. Người ta còn truyền lại những cuộc hành hương của vua quan, cung tần, mỹ nữ theo đường thủy, từng đoàn thuyền theo sông Đáy, vào các con sông đào uốn lượn theo sườn núi Trầm, núi Bút, núi Cung về đây hành lễ và nghỉ ngơi ở hành cung của vua, chúa. Sự kiện vua quan, bà chúa về hành hương, lập hành cung tại một nơi danh lam thắng tích như chùa Trầm là hiếm có.

Chùa Trăm Gian còn gắn với lễ hội của người dân vùng Chương Mỹ. Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng và kéo dài đến mùng 6 tháng Giêng. Chùa Trăm Gian thờ Phật và thờ Đức Thánh Nguyễn Bình An - người có công khởi dựng chùa nên lễ hội thường có rước kiệu. Người dân dự hội được hòa nhập vào đám rước kiệu từ chùa ra quán Thánh ở giữa đồng làng, nơi tương truyền có bước chân đầu tiên của Thánh từ chùa Trăm Gian về quê Bối Khê lấy tương, cà nuôi thợ làm chùa. Lễ hội có cỗ chay, thi cỗ chay và đặc biệt có sự chuẩn bị chu đáo của làng để đón “quan anh” gồm 8 cụ ông, 8 cụ bà do dân làng Bối Khê cử sang hành lễ và dự hội…

Ngày nay đường sá về chùa Trầm, chùa Trăm Gian đi lại rất thuận lợi cho du khách nên quanh năm du khách đến đây hành hương, du lịch. Ngoài lễ Phật, chiêm ngưỡng cảnh quan, tham quan di tích kháng chiến - nơi Đài Tiếng nói Việt Nam về sơ tán và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về chùa Trầm đọc lời chúc Tết năm Đinh Hợi 1947. Đây là sự kiện lịch sử, cần được thể hiện sâu sắc tại di tích này, là dấu ấn đặc biệt của di tích này.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ta ngày càng quan tâm tới vị trí của nền văn hóa dân tộc, hệ thống di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật được đầu tư, tôn tạo. Chùa Trầm sau những năm 1970 bị quản lý lỏng lẻo, bị phá đá nung vôi... nay nhìn lại vẫn thấy xót xa!

Hy vọng với nhận thức mới của các cấp ủy, chính quyền địa phương, của các ban, ngành hữu quan, chùa Trầm, chùa Trăm Gian sẽ được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo để cụm di tích này tỏa sáng những giá trị vốn có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Trầm, chùa Trăm Gian: Từ truyền thuyết đến giá trị văn hóa truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.