Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải bảo đảm không độc quyền

Thanh Hiền| 29/05/2018 07:30

(HNM) - Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Cục đã kết thúc điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.


Căn cứ kết quả điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức. Kết thúc quá trình điều tra, Cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định.

Tập trung kinh tế là việc hai hay nhiều doanh nghiệp liên kết với nhau (sáp nhập, hợp nhất, mua lại, ký thỏa thuận hợp tác phân chia thị trường…) để chiếm lĩnh thêm thị phần. Về khía cạnh kinh tế, việc tập trung kinh tế sẽ làm giảm cạnh tranh (do các đối thủ cạnh tranh hợp tác với nhau), làm méo mó thị trường, dẫn đến có thể gây hại cho người tiêu dùng. Chính vì thế, mục tiêu của Luật Cạnh tranh không chỉ là chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà còn để bảo đảm thị trường không có độc quyền và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Theo Luật Cạnh tranh Việt Nam 2004, chỉ cần thị phần kết hợp của hai công ty trong thương vụ chiếm từ 30% trở lên, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh (Điều 20). Nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trên 50%, thương vụ không được thực hiện, trừ trường hợp ngoại lệ (Điều 18).

Việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam là vụ việc mà cơ quan quản lý cạnh tranh phải cân nhắc rất nhiều trước khi phê chuẩn thương vụ, đặc biệt là hệ quả về tính cạnh tranh. Nếu cơ quan này không phê chuẩn thì thương vụ mua bán trên phải được thỏa thuận lại để giảm thị phần. Việc làm này không chỉ nhằm tránh hậu quả khôn lường của việc tập trung kinh tế vào một doanh nghiệp mà còn giúp môi trường kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng taxi diễn ra một cách công bằng, hạn chế những bất cập do độc quyền kinh tế gây nên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải bảo đảm không độc quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.