Cùng thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, một gian hàng nông sản, đặc sản Việt khắp nơi được Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ITPC-VCA) và Grab Việt Nam chính thức đưa lên “siêu thị số” GrabMart. Không còn vướng víu bởi rào cản địa lý, người dùng nay có thể dễ dàng chọn mua bưởi Diễn, cam Canh, miến dong Điện Biên, măng nứa khô Cao Bằng, cam sành Tiền Giang chỉ với vài nút chạm. Gian hàng này cũng mở ra một khởi đầu đầy hy vọng cho đầu ra nông sản trong hành trình “Số hóa nông sản Việt”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đã có những chia sẻ khá thú vị về cái bắt tay đầy ý nghĩa này với ITPC-VCA:
- Chọn dịp Tết Nguyên đán sắp tới để khởi động gian hàng nông sản, đặc sản Việt trên GrabMart. Bà có thể chia sẻ lý do nào đã khiến Grab Việt Nam và ITPC-VCA đàm phán và quyết định mở ra gian hàng vào thời điểm này?
- Grab có những cam kết lâu dài tại Việt Nam, trong đó có cam kết góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ. Do đó, trong năm 2021, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ với một số cơ quan Chính phủ nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam.
Thông qua thực tiễn triển khai, chúng tôi nhận thấy nhiều hợp tác xã (HTX) chưa quen với việc tự kinh doanh trên nền tảng số, thiếu và yếu về công nghệ, các sản phẩm nông sản còn thiếu kênh quảng bá, dễ bị lệ thuộc vào thương lái. Vì vậy, chúng tôi quyết định tiến thêm một bước thực tiễn, đồng hành cùng ITPC-VCA để góp phần giải quyết những khó khăn này bằng cách cùng mở ra một gian hàng để đưa các đặc sản, nông sản Việt lên chợ số GrabMart, từng bước tiếp cận người dùng toàn quốc, xóa đi giới hạn địa lý, giúp mọi nhà đều có thể mua được nông sản Việt ngon nhất và đa dạng nhất. Chúng tôi chọn thời điểm này vì Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất năm và cũng phù hợp nhất để người Việt khắp nơi có thể thưởng thức các nông sản, đặc sản Việt.
- Theo bà, đâu là thế mạnh và hiệu quả đáng được mong đợi từ sự hợp tác này?
- Grab là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp với người dùng, có một hệ sinh thái siêu ứng dụng hàng đầu Việt Nam và ITPC-VCA quản trị mạng lưới HTX rộng khắp trên cả nước. Với thế mạnh trên, việc hợp tác giữa hai bên sẽ mang đến cho các HTX kênh bán hàng mới, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đặc sản địa phương một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đồng thời, chương trình rất phù hợp với sứ mệnh của Grab là: “Đưa Đông Nam Á tiến về phía trước”. Các quốc gia ở Đông Nam Á đều có nền nông nghiệp phát triển, trong đó có Việt Nam, chương trình hợp tác cũng là một phần trong chương trình lớn: “Grab vì cộng đồng”.
Chúng tôi tin rằng, thông qua các chương trình hợp tác này, người nông dân có cơ hội áp dụng những gì đã được học, được đào tạo vào thực tiễn và các đối tác tài xế của Grab cũng có thêm việc làm, thêm thu nhập. Bên cạnh đó, như đã nói, người dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn với các loại đặc sản, nông sản Việt dù ở thành phố nào. Chương trình mở ra, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích và gia tăng lựa chọn tiêu dùng cho nhiều thành phần kinh tế trong xã hội.
- Grab đã, đang và sẽ kiểm soát chất lượng nông sản ra sao trên chợ số GrabMart?
- Cũng như các sàn thương mại điện tử khác, đối với Grab, chúng tôi có những quy chuẩn cho các đơn vị, thương nhân khi bán hàng trên GrabMart phải tuân thủ những quy định, yêu cầu về chất lượng, xuất xứ của sản phẩm nông sản. Lần này, với sự hợp tác vào cuộc của ITPC- VCA thì còn thêm một khâu sàng lọc nữa đó là Liên minh HTX. Chúng tôi sẽ lựa chọn các HTX phù hợp với tiêu chí của Grab để đưa nông sản lên chợ GrabMart. Grab sẽ làm việc chặt chẽ với phía ITPC-VCA để bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu nội bộ cũng như sự kỳ vọng của người tiêu dùng.
Không chỉ với sản phẩm nông sản mà các đơn vị tham gia kinh doanh trên GrabMart thì Grab đã xây dựng những tiêu chuẩn và quy chuẩn nhất định buộc các đơn vị bán hàng phải tuân thủ. Với gian hàng của Liên minh HTX thì có thêm Liên minh “gác cổng” nên chắc chắn sẽ kiểm soát tốt chất lượng nông sản đưa lên chợ. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác giữa Grab và Liên minh HTX Việt Nam còn có các chương trình đào tạo, hỗ trợ HTX chuyển đổi số để từng bước các HTX tiếp cận với công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi đưa đến người tiêu dùng.
- Dự kiến gian hàng nông sản của ITPC-VCA trên chợ GrabMart sẽ được triển khai kinh doanh như thế nào?
- Trước mắt, cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hai bên sẽ tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá tiêu thụ nông sản. Người tiêu dùng có thể tìm mua các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, cam sành Tiền Giang, măng nứa khô Cao Bằng, miến dong Điện Biên, thịt trâu gác bếp, lợn gác bếp, xoài sấy dẻo Mộc Châu… và các mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống trên GrabMart và sẽ được những ưu đãi hấp dẫn.
Hiện cửa hàng trực tuyến của ITPC đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và triển khai thử nghiệm từ ngày 19-12-2022. Chúng tôi đặt mục tiêu đây sẽ là một hợp tác dài hạn, làm thế nào để hai bên có thể cùng mang đến những lợi ích thiết thực nhất cho bà con nông dân, các HTX nông nghiệp và người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.