(HNMCT) - “Phố Khách giờ đây là chuyên bán bánh kẹo, rượu ngoại. Các tiệm cao lầu ngày xưa chẳng còn chút dấu vết ngoài hàng thịt quay của hiệu Vạn Thành ở số nhà 108. Những Quảng Sinh Long, Đông Hưng Viên, Tự Lạc Hiên nổi tiếng ngày nào giờ chỉ còn trong hoài niệm của thế hệ cao niên. Mà thế hệ cao niên giờ cũng chẳng còn mấy nữa rồi” - đó là một đoạn viết về phố Hàng Buồm trong bài khảo cứu “Cao lâu tửu điếm” của Tạ Thu Phong khiến người đọc thực muốn tìm về không gian, thời gian của Hà Nội một thời quá vãng trên từng trang sách.
Là người sở hữu bộ sưu tập hàng ngàn trang báo cổ, trong đó có nhiều tờ báo quý hiếm, nghề chơi dẫn Tạ Thu Phong đến với nghề viết. Khảo sát, bổ chú thông tin từ những bài báo cũ, đến nay Tạ Thu Phong đã cho ra mắt 3 đầu sách, mà mới đây là “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” với 39 bài viết là những biên khảo về mọi mặt hoạt động của thành phố kể từ đầu thế kỷ trước và xa hơn nữa.
Từ chuyện ăn chuyện mặc chuyện chơi với “Tản mạn mái tóc Hà thành”, “Gập ghềnh chiếc áo dài Việt Nam”, “Cao lâu tửu điếm”, “Món Pagpag Cửa Đông”, “Tháng Tám chơi đèn kéo quân”, “Chợ hoa phố Hàng Lược"... đến những con đường ngõ phố, chợ búa, trường học với “Đường phố Hà Nội trước năm 1954”, “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, “Ngõ Tạm Thương, thương em thì ngỏ”, “Chợ giời Hà Nội có từ bao giờ?”, “Trường tư thục Thăng Long”, các bài viết này như nét phác họa vừa đủ để người đọc hình dung một cách tương đối “chân dung” thành phố. Nếp nghĩ, cách làm, thói quen đã thay đổi từ thời phong kiến sang thuộc địa, rồi sau hòa bình đã được tác giả tỉ mỉ thu thập từ thông tin báo chí các thời kỳ, trên cơ sở đó, đối chiếu, phân tích, sắp xếp và viết lại để tạo thành một bức tranh sinh động về Hà Nội chuyện xưa phố cũ.
Song, “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” còn là câu chuyện của những số phận, những kiếp người. Đó là “kiếp phu xe ngoài sự vất vả như trâu ngựa còn luôn phải sống trong nỗi ám ảnh roi gân bò của cai xe” trong “Xe kéo tay và kiếp người ngựa” mà “dù công việc nặng nhọc, thấp hèn, bị đánh đập như súc vật nhưng phu xe vẫn phải chịu đựng để làm, để sống. Sống vì mình và vì gia đình”. Đó là những đao phủ của đất Hà thành trong “Việc xử trảm ngày xưa” mà vì “có lẽ nghề đao phủ nghiệp quá nặng nên những người làm nghề này cuối đời có cuộc sống không mấy thanh thản”. Đó là chuyện về các thương hiệu kinh doanh nổi tiếng Hà thành như hiệu Quảng Hưng Long ở phố Hàng Bồ, Hương Ký phố Đồng Khánh... hay những điều thực thực hư hư xung quanh cuộc đời của ông Bạch Thái Bưởi...
Đặc biệt, nhiều bức ảnh tư liệu đăng kèm các bài viết mang đến sự cuốn hút, hấp dẫn và chân thực cho người đọc. Độc giả có thể nhìn thấy hình ảnh của hàng cơm vỉa hè ngày xưa, phố bán đồ Trung thu thời Pháp, thấy chợ Giời Hà Nội thập niên 1950, gian hàng quảng bá du lịch trong Hội chợ Hà Nội năm 1928 hay những mẩu quảng cáo trên báo xưa hết sức thú vị.
Cuốn sách “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” do NXB Hà Nội và Tri Thức Trẻ books liên kết xuất bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.