Theo nguồn tin của hãng Reuters, Chính phủ Pakistan vừa ra quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao cũng như đình chỉ hoạt động thương mại song phương với quốc gia láng giềng Ấn Độ.
Theo quyết định trên, Islamabad quyết định trục xuất Đại sứ Ấn Độ tại nước này, đồng thời rút Đại sứ Pakistan tại New Dehli về nước.
Ngoài ra, Chính phủ Pakistan cũng sẽ xem xét lại các thỏa thuận song phương với New Dehli và sẽ đưa vấn đề quan hệ với Ấn Độ ra trước Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an.
Đây được coi là động thái "đổ thêm dầu vào lửa" mới nhất trong cuộc xung đột giữa Pakistan và quốc gia láng giềng Nam Á Ấn Độ.
Quyết định được Ngoại trưởng Pakistan thông báo sau cuộc họp của Ủy ban An ninh quốc gia Pakistan, cơ quan an ninh hàng đầu của nước này, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Imran Khan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về thông tin trên.
Ngày 5-8, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố, Chính phủ liên bang sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu sau khi Tổng thống Ấn Độ ký sắc lệnh bãi bỏ điều khoản trên.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách khu vực Kashmir ban bố các biện pháp siết chặt an ninh, theo đó hạn chế các hoạt động công cộng tại vùng lãnh thổ tranh chấp này. Đây là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp Kashmir trong gần 7 thập kỷ qua.
Phản ứng giận dữ ít giờ sau đó, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định, nước này phản đối tuyên bố được Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Kashmir và Jammu. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là một lãnh thổ tranh chấp được quốc tế công nhận".
Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang căng thẳng khi hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống.
Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.