Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pakistan: Cuộc đua chính trị nhiều ẩn số

Trung Hiếu| 07/04/2013 05:50

(HNM) - Chính trường Pakistan đang bước vào giới hạn chót cho cuộc tổng tuyển cử mang tính lịch sử vào ngày 11-5 tới.


Trong những ngày đầu tháng 4 này, Ủy ban Bầu cử Pakistan đã chính thức khởi động cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng địa phương để chọn 342 nghị sĩ Quốc hội và Hội đồng cấp tỉnh. Ngày 4-4, một nhóm giám sát từ Liên minh Châu Âu (EU) đã tới Pakistan nhằm kiểm chứng "dân chủ" tại các điểm bầu cử Quốc hội; dự kiến số quan sát viên từ nước ngoài đến Pakistan trong cuộc "sát hạch" dân chủ này sẽ lên tới 110 người với 11 chuyên gia giám sát bầu cử. Bên cạnh đó, Viện Dân chủ quốc gia (Mỹ) cũng dự kiến đưa 57 quan sát viên tới quan sát bầu cử tại Pakistan...

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử, mong ước sự ổn định để phát triển là khao khát cháy bỏng của cử tri Pakistan.


Mối quan tâm trên cho thấy cuộc đua quyền lực trên chính trường Pakistan - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - được Âu, Mỹ quan tâm đến mức nào. Thế nên, sự kiện cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf trở về nước (ngày 24-3), sau 4 năm sống lưu vong ở nước ngoài - đúng vào dịp bầu cử - càng khiến cuộc tổng tuyển cử sắp tới "nóng" thêm. Giới quan sát cho rằng, nhà lãnh đạo 68 tuổi này - một nhân vật thân Mỹ trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và các tay súng Taliban sau sự kiện 11-9-2001 - vẫn là một tên tuổi đáng nể trên chính trường Pakistan. Trước cuộc trở về của cựu Tổng thống P.Musharraf, các công tố viên từng có kế hoạch bắt giữ vị cựu tư lệnh quân đội này với cáo buộc đã không bảo vệ cựu Thủ tướng Benazir Bhutto trước khi bà bị ám sát vào năm 2008. Cảnh sát Pakistan cũng cáo buộc ông P.Musharraf đã giam giữ trái phép 2 thẩm phán hàng đầu nước này vào năm 2007 khi áp đặt lệnh khẩn cấp lên toàn bộ đất nước... Thế nhưng, bất chấp lệnh bắt giữ của tòa án và lời đe dọa ám sát của phiến quân Taliban, cựu Tổng thống Pakistan vẫn trở lại cố hương. Ông P.Musharraf tuyên bố sẽ tranh cử tại thành phố Chitra, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và sẽ chiến thắng ở đó; nhưng theo tin mới nhất (ngày 6-4), Ủy ban Bầu cử Pakistan đã bác hồ sơ đề cử của vị cựu Tổng thống này với lý do bảo đảm có một cuộc bầu cử công bằng.

Trong khi đó - trước thềm tổng tuyển cử tại quốc gia Nam Á - cuộc đua tranh đang diễn ra đầy kịch tính. Mặc dù Quốc hội Pakistan đã giải tán (ngày 16-3), nhưng mãi tới thời điểm vị cựu Tổng thống P.Musharraf về nước (ngày 24-3), Ủy ban Bầu cử Pakistan mới bổ nhiệm ông Mir Hazar Khan Khoso, cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao làm Thủ tướng lâm thời. Việc bổ nhiệm này được xem là quá chậm theo quy định vì chỉ trong vòng 3 ngày sau khi Quốc hội giải tán, Pakistan phải bầu ra Thủ tướng lâm thời, người có trách nhiệm giám sát cuộc bầu cử tới. Dư luận cho rằng, sự chậm trễ này là do bất đồng và toan tính lợi ích giữa đảng Nhân dân Pakistan cầm quyền và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) đối lập nhằm giành lợi thế trong bầu cử. Chính sự toan tính đó khiến người dân thất vọng khi cho rằng cuộc bầu cử sẽ chỉ là một cuộc công khai chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái trong khi an ninh của người dân chưa được bảo đảm. Nỗi thất vọng của cử tri Pakistan không phải là vô căn cứ khi ngay trước thềm bầu cử, ngày 3-4, tại thành phố cảng Karachi ở miền Nam đã xảy ra một vụ nổ lớn làm 4 nhân viên an ninh thiệt mạng và 7 người bị thương. Ngày 29-3, ít nhất 12 người chết và 28 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết ngay gần Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở vùng Tây bắc... Trước đó, phiến quân Taliban tại Pakistan đã tuyên bố rút lại đề xuất hòa đàm với Chính phủ Pakistan với lý do chính phủ cũng như các lực lượng an ninh sở tại "thiếu nghiêm túc" với nỗ lực theo đuổi đàm phán...

Cuộc đua trên chính trường Pakistan đang diễn ra với nhiều yếu tố khôn lường. Ngay tại Pakistan đã dấy lên lo ngại trong dư luận rằng toan tính chính trị phe phái đang tạo "cơn sóng ngầm" dữ dội có thể đẩy quốc gia Nam Á vào một viễn cảnh không mong đợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pakistan: Cuộc đua chính trị nhiều ẩn số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.