Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Ông từ thiện" ở Tân Minh

Nhóm phóng viên| 09/01/2016 06:27

(HNM) - Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Thành ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín được bà con quý mến gọi là

Ông Nguyễn Đức Thành và chiếc xe đạp cũ.


Chiếc xe đạp cũ chở nghĩa tình

Nói về người đồng đội của mình, ông Lê Xuân Phúc - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Minh cho biết: Về những việc làm tốt cho đời, về phẩm chất đáng quý của người lính Cụ Hồ trở về xây dựng và đóng góp cho quê hương, có lẽ địa phương chúng tôi không ai được như đồng chí Nguyễn Đức Thành. Suốt 26 năm kể từ khi rời quân ngũ (năm 1989) về làm từ thiện mỗi lần xin được bộ quần áo cũ nào đồng chí đều tự tay giặt sạch, đóng gói cẩn thận trong những túi ni lông rồi thuê xe vận chuyển trao tận tay những người nghèo cần được giúp đỡ. Thời gian qua, đồng chí Thành đã giúp được 90 vỏ chăn, 57 chiếc màn, 559 đôi dép, 7.900 khăn mặt, 33 triệu đồng tiền mặt cho người nghèo và đồng bào bị lũ lụt miền Trung... Cũng theo ông Phúc, con số định lượng trên chỉ nằm trong báo cáo để những việc tốt của người CCB được biết đến và công nhận chứ trên thực tế việc làm thiện nguyện và trái tim nhân hậu của ông Thành thật khó đong đếm. Điều mà chẳng mấy người hiểu rõ là với đồng tiền ít ỏi từ những gánh rau, ông Thành đã vận động vợ con ủng hộ tiền mặt 33 triệu đồng cùng mì tôm, gạo, hạt giống rau, ngô, rồi hàng trăm cặp sách mới, hộp đựng bút cho người nghèo...

Trong đời sống hằng ngày, ông Thành vẫn là người nông dân chân chỉ hạt bột như bao người nông dân khác gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng. Bình dị và giản đơn như bao người dân quê nên nếu ai tình cờ gặp ông già nhỏ thó, chỉn chu kiểu nhà binh với chiếc xe đạp cà tàng trên đường đê rét căm căm ngược chiều gió chắc chắn sẽ ngạc nhiên: Cuộc sống còn khó khăn, sao ông có thể khắc phục được gia cảnh của mình để nghĩ đến những mảnh đời khốn khó khác? Cuộc mưu sinh của người lính trở về cũng trăm mối ngổn ngang, để trang trải cho cuộc sống sáng nào ông Thành cũng chở hai sọt rau đi bán. Có hôm tàu hàng về, ông biết sẵn lịch tạt qua ga Thường Tín mua thêm mớ hành, sọt khoai tây mang lên chợ. Vật lộn với cuộc sống và cái tâm làm việc thiện không làm nhiệt huyết trong ông nguội lạnh. Lần đầu, gặp các bà đi chợ có mấy bộ quần áo cũ ông đã đánh liều hỏi xin. Các bà còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện xin cho là thế nào, ông Thành liền thật thà nói rõ mục đích xin đi làm từ thiện. Thế là từ chỗ một mình đi xin, ông Thành trở thành đầu mối cho tấm lòng thiện nguyện của bà con tiểu thương. Hình ảnh người CCB sáng chở 2 sọt rau đi, tối lại hoan hỉ trên con đường làng chở quần áo mang về đã thành quen thuộc với mọi người.

Ông Thành kể lại, trong một lần đi chợ sớm thấy chị bán hàng thịt dùng cái áo trắng còn mới lau bàn, thấy phí quá nên ông đánh liều dừng xe mau miệng: "Xin chị cho tôi về mặc". Được chị bán hàng xởi lởi chẳng câu nệ chuyện chưa mở hàng liền đưa ngay cho ông chiếc áo: "Cháu biếu ông, nhà cháu còn khối, ông cứ lấy đi". Từ câu chuyện tình cờ này, chị bán hàng thịt thành địa chỉ thiện nguyện của ông Thành - ông xin được tới 3 bao tải quần áo mang lại hơi ấm cho biết bao người còn khốn khó.

Mải miết những chuyến đi

"Ông từ thiện" đã trở thành cái tên mặc định trong lòng đồng đội và người dân Thường Tín dành cho CCB Nguyễn Đức Thành. Dù ở phố về hay là người làng trên, xóm dưới; người Tân Minh bất kỳ ai cũng nói rằng đặt "biệt danh" như vậy mới đủ để nói về con người và việc làm thường ngày của ông.

Hẹn mãi lần này qua lần khác vì còn mải miết đi khắp nơi, "ông từ thiện" mới dành cho chúng tôi một buổi sáng hiếm hoi. Ông kể: "Đã thành thói quen, nếu không đi chợ từ 5h sáng, tôi cũng tranh thủ sang làng bên chở chuyến hàng về giặt cho khô, tối xuống cả nhà ngồi quây quần đóng gói là đẹp tinh tươm". Lần này cũng vậy, ông Thành vừa lau mồ hôi rịn trên trán vừa phân loại quần áo cũ mới, trẻ con riêng, người lớn riêng vừa mau mắn tiếp chuyện khách.

Trong câu chuyện chân tình, ông Thành kể, ông sinh năm 1942, đến năm 1963 thì nhập ngũ như bao thanh niên cùng trang lứa khác. Trong chiến trận, ông từng nhiều lần bị thương, nhưng nặng nhất là bị chấn thương sọ não năm 1969. Vết thương đó vẫn dai dẳng đến hôm nay. Ông đã chọn con đường thiện nguyện giúp đời như một cách làm theo lời Bác "thương binh tàn nhưng không phế" và cũng là để tri ân với những năm tháng mặc áo lính sống chiến đấu trong lòng yêu thương đùm bọc của nhân dân dọc con đường Trường Sơn huyền thoại.

Câu chuyện của ông Thành kể phải xâu chuỗi sự kiện bởi nó như một thước phim chắp vá. Đôi lúc ông lại à lên một tiếng cùng với những câu chuyện giản dị như trong một lần giúp dân đào sắn ở Hòa Bình, ông bắt gặp một cụ già ngồi co ro, đầu tựa vào cán cuốc. Hình ảnh cụ già làm ông nhớ tới bà mế, bà bầm nơi rẻo cao luôn cưu mang bộ đội như con. Lại gần hỏi han mới hay cụ bị đói và lạnh, ông liền cởi chiếc áo ấm của mình rồi khoác vào người cho cụ, nhưng ngay sau đó cụ liền cởi ra và hai tay đưa trả áo. Cụ nói: "Tao trả bộ đội, áo bộ đội đẹp nên tao không dám mượn". Hiểu ra, ông Thành ngồi gấp lại chiếc áo gọn gàng rồi hai tay đưa biếu cụ chiếc áo mặc đỡ lạnh. Lúc này, cụ già mới nở nụ cười. Cụ nói, bộ đội cho thì tao xin, chứ mượn thì tao không mượn. Hay có lần làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ông bắt gặp một bà mẹ mắng con do cháu làm mất tiền. Thương cảnh trẻ nhỏ đói cơm, ông Thành đã đưa cho bà mẹ số tiền dành dụm để cải thiện cuộc sống đang còn khốn khó. Cũng nhiều ngày sau đó, biết hai mẹ con nhà gần công trường hễ có gạo, sắn tăng gia được hay quần áo cũ ông tìm, xin được lại mang đến cho.

Đến nay đã bước sang tuổi 75, sức khỏe có phần sút kém, song ông Thành vẫn ngày ngày miệt mài với chiếc xe đạp cà tàng đi khắp nơi làm việc thiện và chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này. Trái tim ấm áp của ông khiến nhiều người trước đây từng chê ông gàn dở giờ cũng xăng xái cùng ông thu gom góp quần áo, vật dụng cũ giúp đỡ những cảnh đời còn cơ cực, thiếu thốn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông từ thiện" ở Tân Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.