(HNM) - Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng năm 2015, Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2016 - ấn phẩm thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố sáng 30-3, tại Hà Nội, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục ổn định với mức 6,7% trong năm nay - một mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh môi trường quốc tế đầy thách thức.
Ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Giải thích về mức dự báo đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam, chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam Aron Batten, tác giả chính của chương Việt Nam trong Báo cáo cho rằng, thời gian tới động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm 3 yếu tố chính: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), niềm tin của tiêu dùng và tín dụng gia tăng cũng như các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Ông Aron Batten phân tích, sau khi Việt Nam thu hút vốn FDI ở mức cao kỷ lục (gần 15 tỷ USD năm 2015), con số này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2016, nhưng vốn giải ngân sẽ giảm nhẹ vào năm 2017. Khoảng 60% vốn FDI được cam kết trong ngành chế tác định hướng xuất khẩu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt chu kỳ dự báo. Yếu tố mang tính động lực thứ hai là lãi suất vốn đọng. Lãi suất cho vay thấp hơn đã góp phần khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, giúp tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt mức 18%, cao hơn so với chỉ tiêu ban đầu là 13-15% mà Chính phủ đề ra. Động lực cuối cùng là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ tăng trưởng, gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Lạm phát ở mức thấp; lãi suất ở mức khích lệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.
Dự kiến thu hút vốn đầu tư FDI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016. Ảnh: Nhật Nam |
Báo cáo cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng đầu tư tư nhân của Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ tiến trình đàm phán và gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư trong 18 tháng qua, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), với Hàn Quốc, những cam kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Các hiệp định thương mại này sẽ được thực thi trong vài năm tới và được kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư trong tương lai gần khi các doanh nghiệp chuẩn bị đón nhận các cơ hội kinh doanh mới.
Năm thách thức lớn
Dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, nhưng Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn cả trước mắt và dài hạn. Báo cáo đã chỉ ra 5 thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt trong 2 năm tới. Thứ nhất, Việt Nam sẽ chịu rủi ro trước những bất ổn trên thị trường toàn cầu khi hội nhập sâu rộng. Việt Nam được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng về thương mại, nhất là trong khối ASEAN khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Tăng trưởng của Việt Nam có thể dễ bị tổn thương do sự liên kết thương mại với Trung Quốc tăng. Việt Nam đang trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu ở khu vực và dựa nhiều vào xuất khẩu để duy trì tăng tưởng kinh tế. Vì vậy, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế khu vực hay Trung Quốc sẽ mang lại thách thức cho Việt Nam.
Thứ hai là thách thức về khả năng khôi phục sự ổn định tài chính của Việt Nam khi nợ công sắp tới ngưỡng 65% GDP. Chi phí trả lãi tăng nhanh do chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn trong nước chứ không phải nước ngoài, trong khi thu và trợ cấp Chính phủ giảm từ tương đương 27% GDP vào năm 2010 xuống còn 22% trong năm 2015. ADB dự đoán chiều hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện cải cách về thuế. Thứ ba là thách thức trong khôi phục cán cân thanh toán. Thứ tư là giải quyết nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu đã được công bố giảm xuống dưới 3%, nhưng chủ yếu là do chuyển nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Quá trình giải quyết nợ xấu thực tế vẫn còn hạn chế. Báo cáo của ADB cho rằng, việc giải quyết, thu hồi nợ xấu trong những năm tới cần được đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Thứ năm là cải cách doanh nghiệp nhà nước. ADB cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh và tiến hành sâu hơn quá trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chứ không nên dừng lại ở cổ phần hóa, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Những khuyến nghị
"Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam cần kiểm soát được ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm; đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai" - ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh. Theo ông Sidgwick, về lâu dài, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm một kế hoạch rõ ràng nhằm xử lý nợ xấu, vì vấn đề này sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện. "Để bảo đảm nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng" - ông Eric Sidgwick cho biết thêm.
Chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam Aron Batten cho rằng, nền kinh tế đang đi đúng hướng nhưng Việt Nam vẫn có thể làm tốt hơn. "Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do nước này đang tái cơ cấu nền kinh tế khi chuyển dịch từ xuất khẩu công nghiệp sang tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng phát triển mạnh càng tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, vì Trung Quốc đang nhập rất nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam. Để không bị thiệt thòi, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động cùng với những hỗ trợ của Chính phủ hơn nữa" - ông Aron Batten nhấn mạnh.
Hạn hán, xâm nhập mặn chưa tác động đến tăng trưởng GDP Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick: "Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa có những đánh giá chi tiết về những tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cũng như động lực nhỏ trong các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên hiện tại chưa thấy rõ tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ không chỉ tác động đến ngành Nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. ADB cũng đã triển khai dự án hỗ trợ khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS) nhằm góp phần giúp khu vực này ứng phó với hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn và những tác động của biến đổi khí hậu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.