Theo dõi Báo Hànộimới trên

OCOP khẳng định thế mạnh trên thị trường

Ngọc Quỳnh| 13/01/2023 06:22

(HNM) - Đến nay, nhiều sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành mặt hàng quen thuộc của người dân trong dịp Tết đến, xuân về và ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường. Nắm bắt xu hướng này, các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng nguồn hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Kiểm tra sự phát triển của cây su hào tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm).

Được người tiêu dùng đánh giá cao

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu của người dân thành phố Hà Nội về rau xanh tăng đột biến. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau tham gia Chương trình OCOP ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và nhóm rau gia vị... Vào thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, hợp tác xã cung ứng trên 50 tấn rau/ngày. Trong đó, 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Lương Văn Phương, sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình OCOP. Dịp Tết Nguyên đán này, ước tính xã Tráng Việt có 8.000 quả bưởi được đưa ra thị trường với giá 90-100 nghìn đồng/quả. “Bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon. Sản phẩm được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, lượng tiêu thụ không những ổn định mà còn có xu hướng ngày càng tăng” - ông Lương Văn Phương khẳng định thêm.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trên địa bàn huyện có 172 sản phẩm OCOP. Để đẩy mạnh tiêu thụ trong dịp Tết, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để quảng bá sản phẩm tới tay người dùng.

Hiện nay toàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, rất nhiều sản phẩm như: Rau, thịt, giò chả, bánh chưng, gạo… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và có sản lượng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm đều được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường. Đa số sản phẩm OCOP được trưng bày, bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn...

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến, Công ty có hơn 20 loại giò chả, nem… được công nhận sản phẩm OCOP. Nắm bắt thị hiếu của người dân trong dịp Tết, Công ty đã cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm để phục vụ thị yếu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, với hơn 1.000 điểm bán lẻ thương hiệu Nutrimart trên toàn quốc, một trong những tiêu chí mà đơn vị ưu tiên lựa chọn đưa vào hệ thống là sản phẩm được UBND các tỉnh, thành phố, cấp chứng nhận OCOP. Việc lựa chọn các sản phẩm đã được cấp sao trong chương trình OCOP sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều thời gian kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc trước khi nhập hàng, phân phối… Các địa phương cần hỗ trợ chủ thể tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu và định hướng theo nhu cầu của thị trường.

Tiếp tục đổi mới phương thức quảng bá, dịp Tết này, các chủ thể sản phẩm OCOP đã quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới dạng quà tặng để tiếp cận thị trường. Những món quà này là cơ hội để quảng bá sâu rộng hơn sản phẩm mang tính đặc trưng của từng địa phương.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, ngay từ khi Chương trình OCOP được triển khai năm 2019, thành phố đã xác định phát triển sản phẩm không chạy theo số lượng. Thay vào đó là chú trọng nâng cao chất lượng và mở rộng “đầu ra” để mang lại giá trị cốt lõi lớn hơn cho chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là cụ thể hóa triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phát huy hiệu quả Chương trình OCOP.

Để phát triển bền vững Chương trình OCOP, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Hỗ trợ chủ thể sản xuất đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng... qua đó ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP khẳng định thế mạnh trên thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.