(HNM) - Chúng tôi về với làng nghề làm chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu (Thường Tín - Hà Nội) với những thông tin trái chiều. Có luồng thông tin cho rằng, Trát Cầu đang công khai làm nhái, làm giả những thương hiệu nổi tiếng như Everon, Hanvico, Sông Hồng.
Vận hành máy dệt sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở làng Trát Cầu (Thường Tín). |
Khá lên từ nghề truyền thống
Làng Trát Cầu, xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) những ngày này thật nhộn nhịp. Xe cộ ra vào tấp nập với những kiện hàng lớn nhỏ. Bởi tiết trời đã chớm lạnh, những sản phẩm như chăn, vỏ ga, vỏ gối và đệm mút, đệm bông đã bắt đầu hút khách. Tiếp chúng tôi mà ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cứ nhấp nhổm: "Xã có 4 thôn thì cả 4 thôn đều có nghề. Riêng Trát Cầu có tới 80% số hộ hoạt động trong nghề làm chăn, ga, gối, đệm và đã được công nhận làng nghề từ năm 2002. Vì thế, không chỉ người dân trong xã luôn bận rộn mà chính quyền xã cũng bận rộn lắm, nhà báo ạ".
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, Trát Cầu hiện có hơn 1.200 hộ dân thì nhà nào cũng đầu tư làm nghề. Phát huy vốn nghề cổ của các cụ để lại, hầu hết đều làm ăn khấm khá. Đến nay cả làng có tới gần 50 cơ sở thành lập doanh nghiệp với quy mô từ 20 lao động trở lên. Đấy là chưa kể do quỹ đất của Trát Cầu không còn nhiều, một số doanh nghiệp thành lập phải đi "ở nhờ" trên đất của làng khác, xã khác. Ông Minh cho biết: 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế còn ảm đạm, chưa phải đúng vụ, nhưng sản phẩm và thu nhập của các làng nghề trong xã vẫn tăng 30% so với năm 2010, đạt 21 tỷ đồng. Ngồi tính trên đồng vốn bỏ ra, vị cán bộ xã này nhẩm: Đối với những người làm nghề ở Trát Cầu, nếu đưa cho họ 1 tỷ đồng thì doanh thu cuối năm của họ có khi tăng lên đến 5-7 lần. Nghe ông Minh nói, tôi tự hình dung, với mức doanh thu ấy, lợi nhuận ước chừng 25% thì số lãi của 1 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu đã lên đến suýt soát 100%. Nghĩa là đầu năm bỏ 1 tỷ đồng làm vốn, cuối năm thu 2 tỷ đồng sau khi khấu trừ mọi chi phí.
Quả thực, với những người kinh doanh buôn bán, cái số lợi nhuận hàng năm lên đến 100%/năm quả là đáng kính nể. Vậy liệu có phải do một số cơ sở sản xuất làm nhái nhãn mác, làm giả thương hiệu để đẩy giá lên cao, thu lợi chênh lệch? Nghe chúng tôi đặt câu hỏi, ông Minh giẫy nẩy: "Nhà báo cứ đi khắp làng, mục sở thị rồi ta trao đổi tiếp. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường này cũng khó có thể nói là không có người làm hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhưng một số tờ báo cho rằng, Trát Cầu chuyên làm hàng nhái là sai, thiếu cơ sở".
Nghe ông Minh phân trần, chúng tôi tạm yên lòng một phần. Tìm vào Công ty Trát Cầu với thương hiệu Happiness, chưa kịp ngồi ấm chỗ, chị Vũ Thị Nguyên, chủ doanh nghiệp Trát Cầu bức xúc: "Chúng tôi mất bao nhiêu công sức, thời gian để xây dựng thương hiệu, giờ có người bảo làm hàng nhái, hàng giả là sao?". Chị bảo, bây giờ, sản phẩm của Trát Cầu đã có mặt ở hầu hết khu vực từ miền Bắc vào đến miền Trung. Tất nhiên, trong cả làng nghề Trát Cầu này, có những cơ sở sản xuất loại hàng bình dân, có cơ sở sản xuất hàng cao cấp. Không thể đánh đồng như thế được. Thế nhưng, chỉ có một điều, tất cả những nguyên liệu mà người Trát Cầu lấy về để sản xuất đều là những nguyên liệu tốt như bông, vải, chỉ, ren… đều được nhập khẩu hoặc đặt hàng từ những doanh nghiệp lớn trong nước. Đặt vấn đề, chị Nguyên phân trần: Hiện nay tuy nhiều người giàu, nhưng người nghèo cũng không ít. Chính vì vậy, những sản phẩm bình dân của Trát Cầu hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và hằng năm, những cơ sở sản xuất của Trát Cầu vẫn mang chăn của mình đi tặng bà con vùng bão lụt, vùng khó khăn, vừa để chia khó với người nghèo, vừa để tìm hiểu nhu cầu thị trường để phục vụ tốt hơn.
Khẳng định thương hiệu Trát Cầu
Rời nhà chị Nguyên, chúng tôi lang thang nhiều con ngõ nhỏ của làng Trát Cầu. Quả nhiên, Trát Cầu đang giàu lên một cách nhanh chóng. Cả làng nho nhỏ, nghiêng nghiêng bên dòng Nhuệ Giang mà cứ như một đại công trường với hàng trăm nhà đang xây dựng hiện đại. Ngoài những con đường lớn của làng, chăn, ga, đệm… những sản phẩm của làng nghề được bày bán la liệt với đầy đủ những cái tên riêng của chính cơ sở sản xuất như Hacovic, Vikosan, Nam Vang, Phương Nam, Sông Hương… mà tuyệt nhiên không thấy một nhãn hiệu khác.
Nói về chuyện làm nghề, ông Nguyễn Hữu Đán, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, hiện cũng có một cơ sở sản xuất với quy mô hơn 20 lao động cho biết, nếu các cơ sở sản xuất làm đúng tiêu chuẩn thì sản phẩm của Trát Cầu có đủ sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu tên tuổi khác. Cái tiêu chuẩn mà ông Đán đưa ra là mỗi chiếc chăn, dù dùng bông siêu nhẹ cũng phải nặng từ 2,5kg trở lên. Bên cạnh đó, vỏ chăn phải được làm bằng vải phin hoặc chất cotton được trần kỹ với những đường thêu, đường may tinh xảo. Nếu làm đúng tiêu chuẩn, sản phẩm của Trát Cầu ăn đứt hàng Trung Quốc, người tiêu dùng có thể dùng cả đời cũng không hỏng được mà chỉ có thể là bông bị xẹp mà thôi.
Nhắc chuyện bông bị xẹp, ông Đán lại mơ màng nhớ về lịch sử của làng Trát Cầu. Ấy là thời xa xưa lắm, ông Đán cũng chẳng nhớ nổi, người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông. Cứ hai người cộng một cây sa cán và dây cung, người Trát Cầu đi khắp Bắc - Trung - Nam, ai thuê là làm ngay tại nhà. Vốn là những người thợ thông minh không ngừng sáng tạo, sau năm 1945, người dân Trát Cầu đã cải tiến những máy dệt tải của Nhật để lại thành những máy làm chăn gối. Thế là máy móc về Trát Cầu từ đó. Có máy, lượng sản phẩm tăng nhanh gấp 2-3 lần so với làm thủ công và đã làm ra hàng vạn chiếc áo bông, chăn bông phục vụ kháng chiến. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, người dân trong làng vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm chăn gối đặc thù và tinh tế, đồng thời kết hợp với những thiết bị máy móc hiện đại để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ cho nghề truyền thống, tạo nên bộ mặt mới cho làng quê Trát Cầu.
Đến những năm 1980, Trát Cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường chưa lớn, nhiều cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng. Nhưng đến những năm 1990 nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn, lại nắm bắt đúng phân khúc thị trường, những sản phẩm của người Trát Cầu cũng ngày một đa dạng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống làng còn phát triển làm ga, đệm bông... Hầu hết các tỉnh đều có cơ sở sản xuất các mặt hàng bông của Trát Cầu. Đặc biệt để cạnh tranh trên thị trường, từ khi được công nhận làng nghề, người làng Trát Cầu đã rất chịu đầu tư. Ở thời điểm đó, cả làng đã có trên 30 bộ máy vi tính công nghệ cao của Hàn Quốc, Nhật Bản để làm chăn, gối... Ông Đán trầm trồ, ấy thế mà giờ nhà nào cũng có máy hiện đại, tự động hoàn toàn trị giá chừng 500 triệu đồng. Chính những chiếc máy này đang ngày đêm âm thầm đẻ ra tiền để Trát Cầu xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.
Rời xã Tiền Phong, trên con đường rải nhựa, chúng tôi mừng cho người làng Trát Cầu đang ngày một khá lên từ vốn nghề truyền thống. Có lẽ, Trát Cầu là một trong số ít các làng nghề truyền thống giữ và phát triển được vốn nghề cổ truyền. Nhưng chúng tôi cũng mang theo trăn trở của ông Dương Ngọc Minh rằng, xã đang quy hoạch cụm làng nghề để đưa các hộ vào khu vực sản xuất tập trung. Trước mắt đã được thành phố phê duyệt gần 36.000 mét vuông để dựng xưởng cho các hộ làm nghề thuê mặt bằng, và đợt 2 vẫn còn 20.000 mét vuông đang chờ được phê duyệt. Nếu làm xong quy hoạch này, xã sẽ động viên các hộ sản xuất thành lập hiệp hội làng nghề Trát Cầu để phát triển thêm thương hiệu cho làng nghề giàu truyền thống này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.