Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ở thành phố hoa mai, nhớ thành phố hoa đào

Tuệ Diễm| 24/03/2013 07:06

(HNM) -

Trong căn nhà nhỏ nằm ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, bên cây đàn phủ màu thời gian, nhạc sĩ Phan Long đón chúng tôi bằng những nốt nhạc của ca khúc "Nhớ thành phố hoa đào". Bài hát ra đời vào mùa xuân năm 1997, sau 12 năm gia đình nhạc sĩ Phan Long rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Ông nói, giữa đất phương Nam, nhìn nhành hoa mai trong nắng chợt nhớ đến Thủ đô với sắc đào hồng thắm đã thôi thúc tôi viết nên ca khúc này. Điều thú vị là "Nhớ thành phố hoa đào" không có một câu từ nào miêu tả cành đào. Nhạc sĩ kể: Tuổi thơ tinh nghịch, Phan Long cùng bạn bè gọi tên phố phường Hà Nội không theo sự sắp đặt của người lớn. Ví như phố Nguyễn Du có nhiều hoa sữa nên trẻ con "tự sửa" gọi là phố hoa sữa… Từ cách gọi thân thuộc từ thời trẻ thơ ấy, hoa đào đặc trưng Hà Nội, hoa mai đặc trưng TP Hồ Chí Minh đã thành chất liệu bài hát.

Nhạc sĩ Phan Long đệm đàn cho vợ hát.


"Nhớ khi Nguyễn Huệ giải phóng thành Thăng Long vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, ông đã sai một vị tướng cưỡi ngựa mang cành đào vào kinh đô Phú Xuân báo tin chiến thắng quân Thanh. Nhìn cành đào lung linh hoa nở, Hoàng hậu Ngọc Hân sung sướng rơi lệ ngỡ mình đang đứng trên mảnh đất Thăng Long. Do đó tôi chỉ mượn cớ nhành đào để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, của một người con đi xa Hà Nội đau đáu tìm về ký ức, khoảng trời tuổi thơ". Nhạc sĩ Phan Long mỉm cười lý giải tiếp về cái cớ để tạo ra "Nhớ thành phố hoa đào".

Quê gốc Phú Thọ, nhưng Phan Long được sinh ra và trưởng thành từ chính mảnh đất Thủ đô. Năm 1968, ông rời ghế Nhạc viện Hà Nội xung phong lên đường chiến đấu. Một bên tay súng, một bên đàn, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác và nhanh chóng nổi tiếng với ca khúc "Mẹ" với nỗi đau đáu: "Cả cuộc đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương...". Ông đã từng vinh dự nhận giải A cho bài hát "Cánh chim tuổi thơ" cuộc thi văn học nghệ thuật "Vì mầm non Tổ quốc XHCN" vào Năm quốc tế Thiếu nhi 1979; giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Sài Gòn giải phóng, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh dành cho bài hát "Lời yêu gửi Noọng", giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho bài "Nữ dân quân tự vệ miền Đông".... Không chỉ là nhạc sĩ, Phan Long còn là nhà báo với hơn 30 năm phụ trách biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trở lại với cái cớ "mượn nhành đào để thỏa mãn cảm xúc cá nhân", Phan Long nói, ông cũng bất ngờ khi ngày đầu phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Hồng Nhung, ca khúc "Nhớ thành phố hoa đào" đã có được sự ưu ái của người nghe. Vinh dự hơn đối với chính tác giả, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ca khúc "Nhớ thành phố hoa đào" lại vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được độc giả yêu thích.

Đến thời điểm này, giữa "biển nhạc", ca khúc "Nhớ thành phố hoa đào" vẫn có chỗ đứng trong lòng những người con Hà Nội xa quê. Nhạc sĩ Phan Long cho biết: "Cách đây một năm có cô giáo ở Kiên Giang gọi điện cho tôi suốt một giờ đồng hồ để nhờ dạy hát ca khúc này. Một cô gái nói chuyện rặt giọng miền Nam, ấy vậy mà hát về Hà Nội rất ngọt ngào làm tôi xúc động đến nghẹn lại. Điều hạnh phúc hơn nữa đối với ông, là cậu con trai Phan Lê Minh học ngành Marketing nhưng thể hiện ca khúc "Nhớ thành phố hoa đào" xuất sắc không kém các ca sĩ trước đây.

Bước vào tuổi 64, dù đã về hưu nhưng nhạc sĩ vẫn khá bận rộn với vai trò giám khảo âm nhạc của các cuộc thi cấp trường, những buổi giao lưu âm nhạc và tham gia giảng dạy cho sinh viên. Và đặc biệt ông dành nhiều thời gian để sáng tác âm nhạc. Ông nói: "Tôi chỉ viết khi cảm xúc đủ chín toát lên tự nhiên chứ không theo đơn đặt hàng. Sau 16 năm viết ra "Nhớ thành phố hoa đào", tôi mới hoàn thành ca khúc thứ hai là "Hồ Gươm xanh", sẽ giới thiệu tới khán giả trong thời gian tới".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ở thành phố hoa mai, nhớ thành phố hoa đào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.