(HNMO) - Ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng đáng lưu ý trong thời đại ngày nay nhưng nó đang ngày càng bị lãng quên, những tiếng nhạc chát chúa từ những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các nhóm hát rong… trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Hà Nội.
Hiện nay ở nước ta, nhất là ở đô thị, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động. Tiếng ồn có thể được hiểu đó chính là những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, hỗn loạn gây cảm giác khó chịu cho người nghe, có ảnh hưởng xấu đến làm việc và nghỉ ngơi của con người. Từ nhiều tháng nay, cứ xẩm tối, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện các nhóm hát rong. Điều đáng nói là âm thanh phát ra từ thùng loa luôn mở hết cỡ gây bức bối cho dân đang sinh sống tại khu vực đó và người đi đường.
Có thể nói một tình trạng khá phổ biến và rất đáng chê trách là chuyện lạm dụng còi xe. Chỉ cần ra đường là mọi người cảm nhận được ngay tình trạng ô nhiễm tiếng ồn bởi đủ các loại ôtô, xe máy thường bóp còi inh ỏi. Theo tiêu chuẩn về tiếng ồn cho phép được dao động đến 75dB trong thời gian từ 6h – 18h, dao động 70dB từ 18h – 22h, vào buổi tối từ 22h – 6h phải dưới 50dB. Tuy nhiên, hầu hết ở các thành phố lớn tiếng ồn luôn vượt hàng chục lần so với chuẩn qui định. Hầu hết các cơ sở này đều mang những dàn nhạc với công suất lớn ra trước cửa hàng để tạo sự thu hút cho khách hàng vì thế đã tạo nên một lượng tiếng ồn vượt quá giới hạn. Không những thế, mỗi cửa hàng lại có chính sách mở nhạc khác nhau nên tạo ra một mớ âm thanh chát chúa, hỗn độn… cứ ra rả gây “ám ảnh” cho người dân xung quanh và những người đi đường. Đó là chưa kể đến những người bán hàng rong như: mua phế liệu, đồ điện tử hỏng, buôn bán kẹo kéo, xôi chè… cũng góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn cho môi trường sống chúng ta hiện nay.
Người dân khó chịu trước những chiếc loa hoạt động hết volume trên vỉa hè. |
Chính vì thế việc cố ý hay vô thức gây ra âm thanh lớn quá mức đều có thể quy về hai vấn đề là thiếu ý thức văn minh và vi phạm Luật Môi trường. Tiếng còi ô tô, xe máy quá to có thể khiến người đang tham gia giao thông luống cuống trong xử lý dẫn đến tai nạn. Một thành phố quá nhiều và liên tục tiếng còi xe sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Mới đây, thành phố Venice của Italia đã ban hành luật phạt 50 euro những người kéo va li trong đêm gây ra tiếng ồn.
Về sinh lý, trên một mức nào đó, tiếng ồn gây thương tích tai, làm điếc. Sống trong tiếng ồn, ta có thể bị đau đầu, lâu dần thành bệnh kinh niên, mất khả năng làm việc, hay là ít nhất là mất giá trị sống. Nguy hại hơn nữa là những bệnh về tim mạch và huyết áp. Về tâm lý, môi trường ồn có thể gây cho ta stress, căng thẳng thần kinh, dễ cáu, hung hăng, dễ bị kích động.
Nếu làm việc trong môi trường tiếng ồn sẽ làm giảm một cách đáng kể khả năng tập trung của người lao động, độ chính xác của công việc sẽ giảm, sai sót trong công việc và sản xuất tăng cao, phát sinh hoặc tăng các tai nạn lao động. Thực tế năng suất lao động sẽ giảm từ 20 – 40%. Thông tin thường bị tiếng ồn gây nhiễu, che lấp, làm cho việc tiếp nhận thông tin sẽ khó khăn hơn, độ chính xác của thông tin nhận được sẽ không cao ảnh hưởng đến cuộc sống sản xuất sinh hoạt của con người, do vậy trong trao đổi thông tin cần phải quy định giới hạn tiếng ồn cho phép để tránh các ảnh hưởng do tiếng ồn gây ra.
Theo Luật Môi trường, ở những nơi như: trường học, bệnh viện, nhà trẻ… từ 18h đến 21h, âm thanh cho phép chỉ ở mức 55dB; từ 21h đến 6h là 45dB. Với khu dân cư, âm thanh tối đa cũng chỉ ở mức 70dB. Vượt quá ngưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Thế nhưng, theo khảo sát mới đây của cơ quan quản lý về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn thì ở Hà Nội vào giờ thấp điểm nhưng âm lượng cao hơn mức tối đa cho phép ở mức 74dB, tại các nút giao thông, vào giờ cao điểm lên tới 110dB.
Theo ghi nhận của phóng viên trên các tuyến đường ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Cầu Giấy… hiện tượng xe tải gắn còi hơi diễn ra khá phổ biến. Các tài xế bấm còi rất liên tục, đường vắng bấm, đường đông lại bấm nhiều hơn. Chị Trần Thị Oanh sống tại Khu vực đường Phạm Văn Đồng thường xuyên đi làm qua tuyến đường Phạm Hùng bức xúc: “Nhiều lần đang đi, bỗng giật nẩy mình vì có âm thanh lạ phát ra vừa to vừa liên tục, tay lái loạng quạng suýt ngã, định thần lại mới biết có xe tải đi đằng sau bấm còi và điều này rất gây ức chế cho người tham gia giao thông”.
Các cơ quan có chức năng quản lý xã hội cần đưa ra những quy dinh nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố (không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành); không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường nhất là về ban đêm. Về phòng ngừa cho từng cá nhân, có thể đội mũ chống ồn khi làm việc ở các công trình xây dựng, ở sân bay hay khi đốn cây trong rừng. Ở mỗi gia đình, không nên vặn TV to, không nghe nhạc mở to suốt ngày, điều chỉnh chuông điện thoại.
Năm 2014, lần đầu tiên Hà Nội triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Sau một năm thực hiện, kết quả thu được đã rất khả quan. Chính vì thế, Hà Nội đã tiếp tục chọn năm 2015 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị nhằm tạo chuyển biến mạnh hơn về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông và chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, vi phạm trật tự đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.