Những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp sau khi mãn kinh. Đây là phát hiện mới đây của các nhà khoa học Mỹ và Hàn Quốc về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Hypertension của Mỹ ngày 30-1, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tình hình sức khỏe của 3.119 phụ nữ mãn kinh không hút thuốc trong độ tuổi từ 50 trở lên trong Khảo sát Sức khoẻ và Dinh dưỡng Quốc gia Hàn Quốc 2010-2011.
Kết quả theo dõi cho thấy phụ nữ cho nhiều con bú và thời gian cho bú mẹ dài sẽ giúp giảm nguy cơ bị cao huyết áp sau khi mãn kinh. Trong khi đó, nếu thời gian nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài cũng giúp giảm nguy cơ cao huyết áp tới 45%, với thời gian dài nhất được đưa ra là từ 96 đến 324 tháng.
Các bà mẹ Philippines hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Các nhà khoa học đề xuất một cơ chế giải thích mối liên hệ này là do sự chuyển hóa ở mẹ có thể được "thiết lập lại" bằng việc cho con bú sau khi mang thai.
Ngoài ra, một cơ chế khác được đề xuất là cơ thể người mẹ phóng thích oxytocin khi cho con bú làm giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo tình trạng béo phì và đề kháng insulin làm giảm đáng kể tác dụng bảo vệ của việc nuôi con cho con bú.
Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều lợi ích về sức khỏe của việc nuôi còn bằng sữa mẹ như giảm dị ứng ở trẻ, giảm nguy cơ mắc các bệnh hệ tiêu hóa, béo phì và tiểu đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.