Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi chim yến: khó quản

Thùy Linh| 24/12/2014 07:16

(HNM) - Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có quy định không cho phép nuôi chim yến ở khu vực nội thành, thế nhưng hiện có đến 14 quận nội thành có nhà nuôi chim yến. Để tránh các hệ lụy cho người dân khi hình thức kinh doanh này ngày càng bùng phát, rất cần có quy hoạch vùng nuôi chim yến.


Hiện nay phong trào nuôi chim yến phát triển rất mạnh.


Hiện TP Hồ Chí Minh chỉ mới cho phép 10 hộ ở huyện Cần Giờ được thí điểm nuôi chim yến. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, trên địa bàn có 556 nhà nuôi chim yến tập trung tại 19 quận, huyện. Đáng chú ý, có đến 14 quận nội thành có nhà nuôi yến, thậm chí có những quận trung tâm như các quận 1, 3, 6, 10... Hơn thế, thời gian gần đây, số lượng nhà nuôi chim yến tăng rất nhanh, cụ thể tháng 7-2013 số lượng nhà yến trên địa bàn là 330 thì đến tháng 10-2014 tăng gần 70% lên thành 556 nhà yến. Theo ông Trung, các nhà nuôi chim yến hầu hết đều tự phát, thậm chí cơi nới cả nhà ở thành nhà nuôi chim yến nên vấn đề về kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều chủ nuôi giao người làm công quản lý nên cơ quan chức năng không thực hiện quản lý kiểm tra được. Ông Trung cũng xác nhận đã có một số khiếu nại của người dân do những hệ lụy từ các hộ nuôi chim yến gây ra như tiếng ồn, ô nhiễm…

Để quản lý việc nuôi chim yến, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3870/QĐ-UBND ngày 9-8-2014 về phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn đến năm 2025 và giao Sở NN&PTNT thực hiện. Theo đó, các khu vực được nuôi chim yến tập trung vào ba quận, huyện là quận 9, Củ Chi và Cần Giờ, nơi có lợi thế về điều kiện sinh thái và tài nguyên. Với những cơ sở hiện hữu, chưa phù hợp quy hoạch, thành phố yêu cầu phải di dời trước năm 2015.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Trung, hiện vấn đề quản lý nuôi chim yến còn nhiều bất cập bởi chưa có các quy định đầy đủ. Để tạm thời quản lý việc nuôi chim yến, năm 2013 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT. Thông tư này đã giải quyết được một số yêu cầu cấp bách như quy hoạch, kiểm soát dịch bệnh và góp phần chấn chỉnh nuôi chim yến tự phát, hướng đến hoàn thành quy hoạch nuôi chim yến... Tuy nhiên, thông tư vẫn chưa chặt chẽ khi chưa quy định khoảng cách tối thiểu giữa nhà yến và nhà dân và nơi công cộng như trường học, bệnh viện… Việc thực hiện Thông tư 35 còn có những khó khăn như phát sinh thủ tục hành chính mới khi tổ chức tiếp nhận khai báo nuôi chim yến trên địa bàn; chưa có quy định thời gian khắc phục và hướng dẫn xử lý vi phạm đối với các trường hợp xây dựng nhà nuôi chim yến không bảo đảm các điều kiện theo quy định; chưa có biểu mẫu đánh giá cơ sở nuôi chim yến; việc đo độ lớn của âm thanh dẫn dụ chim yến đòi hỏi phải có thiết bị chuyên dùng, cách thức kiểm tra thực hiện…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Thông tư 35 ra đời trong hoàn cảnh cấp bách để giải quyết những vấn đề nóng trong quản lý nuôi chim yến nên còn một số tồn tại. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, nghề nuôi chim yến là ngành hàng có nhiều lợi thế, triển vọng ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Bộ NN& PTNT sẽ hoàn thiện các vấn đề pháp lý; những vấn đề về yếu tố kỹ thuật để hỗ trợ các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, phát triển nghề nuôi chim yến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi chim yến: khó quản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.