Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước sạch ở Hà Nội đến năm 2050: Tỷ lệ thất thoát chỉ còn 20%

Đức Trường| 09/06/2010 06:44

(HNM) - Sáng 8-6, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo lần 1 về việc lập Quy hoạch tổng thể (QHTT) hệ thống cấp nước và thoát nước đô thị giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Vận hành máy xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Nam Dư. Ảnh: Khánh Nguyên


Đại diện Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE - đơn vị xây dựng quy hoạch) cho rằng, hệ thống cấp nước tại Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhất là sau khi hợp nhất, nên việc đầu tư, cải tạo hệ thống cấp nước là rất cần thiết. QHTT sẽ xác lập kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao cả về kinh tế và kỹ thuật, trong đó sẽ hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cấp nước một cách hợp lý trong các khâu từ lựa chọn nguồn nước, phát triển công suất nhà máy nước, mở rộng mạng đường ống, chống thất thu thất thoát, nâng cao năng lực quản lý vận hành…

Theo quy hoạch cấp nước, khu đô thị trung tâm đạt tỷ lệ 100%, bảo đảm từ 180 đến 200 lít nước cho một người/ngày; khu đô thị vệ tinh đạt tỷ lệ 90%, bảo đảm cấp từ 150 đến 180 lít nước cho một người/ngày; ở khu vực nông thôn lần lượt là 90% và từ 100 đến 120 lít nước cho một người/ngày. Dự báo, đến năm 2020, khu vực đô thị và nông thôn liền kề sẽ dùng trung bình hơn 1.224.000 m3/ngày; đến năm 2030 là gần 2.000.000 m3/ngày; đến năm 2050 sẽ là hơn 2.500.000 m3/ngày. Tỷ lệ thất thoát và thất thu trung bình của hệ thống cấp nước Hà Nội theo từng giai đoạn sẽ là: năm 2020 thất thoát 27%; năm 2030 là 22%; năm 2050 là 20%.

Về nguồn nước, xu hướng chính sẽ là giảm dần khối lượng khai thác nước ngầm tại Hà Nội cũ và tăng dần việc khai thác, sử dụng nước mặt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống và sông Lô. Theo các báo cáo khoa học, chất lượng nước các sông trên đều có các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Trong khi đó, nước ngầm tại Hà Nội cũ có chất lượng không đồng đều và đang có xu hướng xấu dần.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng và nhu cầu sử dụng nước sạch, VIWASE đã đề xuất 2 phương án cấp nước cho Hà Nội. Phương án 1 là xây mới 2 nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống; mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm. Phương án 2, xây mới nhà máy nước mặt sông Hồng, mở rộng nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty VIWASE đã trình bày những nét chính trong QHTT thoát nước đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. QHTT thoát nước Hà Nội sẽ rà soát lại QHTT thoát nước năm 1995 và xây dựng một chương trình phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải các đô thị tập trung của Hà Nội một cách đồng bộ, hợp lý. Các mục tiêu chính của QHTT là: cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường nước bền vững, phát triển hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị đạt hiệu quả KT-XH cao trước mắt và lâu dài; QH hệ thống thoát nước mưa bảo vệ khu vực đô thị khỏi tình trạng ngập úng với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm và có thể điều tiết lũ với chu kỳ cao hơn… Ông Hải cũng đề xuất một loạt công trình đầu mối thoát nước đô thị cho từng lưu vực sông (LV) Tô Lịch, LV Tả Nhuệ, LV Hữu Nhuệ, LV Hữu Đáy. QHTT thoát nước Hà Nội lần này sẽ gắn chặt với QH hệ thống thu gom và xử lý nước thải…

Sau khi nghe báo cáo của đơn vị xây dựng QHTT cấp nước và thoát nước giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi lưu ý đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng cần đánh giá chi tiết, khách quan hơn về thực trạng nguồn nước, mạng lưới đường ống và nhu cầu sử dụng nước trong tương lai, tình hình tài nguyên nước... Đơn vị tư vấn phải rà soát, xem xét lại kỹ lưỡng các văn bản, cơ sở pháp lý mới có liên quan cả về cấp nước và thoát nước. Đặc biệt, việc xây dựng 2 QHTT này cần phải đối chiếu, khớp nối phù hợp với các bản QHTT và QH chi tiết có liên quan, không để xảy ra tình trạng QH chồng lên QH. Cần làm rõ về nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư, danh sách dự án định thực hiện, những dự án ưu tiên đầu tư… để có thể giải trình rõ hơn trong lần báo cáo tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch ở Hà Nội đến năm 2050: Tỷ lệ thất thoát chỉ còn 20%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.