Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Nga tung lá chắn

Quỳnh Chi| 31/01/2015 06:49

(HNM) - Nhằm đối phó với tình trạng suy giảm và khủng hoảng kinh tế có thể còn kéo dài, Chính phủ Nga vừa hoàn thiện gói các biện pháp kích thích tăng trưởng trị giá lên tới 21 tỷ USD. Đây là nỗ lực của Mátxcơva trước sức ép từ

Các biện pháp cấm vận từ phương Tây đang khiến người dân Nga gặp nhiều khó khăn.



Kế hoạch cứu trợ chống khủng hoảng của Chính phủ Nga là một bước hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang liên quan tới các cải cách kinh tế. Bức tranh kinh tế Nga năm 2015 được dự báo khá ảm đạm, số liệu từ Bộ Kinh tế nước này cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xứ Bạch dương đã sụt giảm 0,5% trong năm 2014 - biểu hiện đầu tiên của sự đi xuống rõ ràng của nền kinh tế kể từ tháng 10-2009. Dự kiến, đà xuống dốc tiếp tục nghiêm trọng hơn nếu giá dầu đứng ở mức thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga không được dỡ bỏ. Theo Ngân hàng trung ương Nga, kinh tế nước này có thể cảm nhận sự suy thoái ngay từ quý I và sẽ suy giảm đến 4,5% trong năm nay. Song song với đó, lạm phát có thể chạm mức 11,5% và Nga sẽ tiếp tục phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng thừa nhận nền kinh tế Nga đã mất 10 tỷ USD vì các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đồng ruble suy yếu khiến giá cả leo thang đang làm người dân gặp khó khăn.

Trên thực tế, kế hoạch chống khủng hoảng đã được bàn thảo trong nhiều ngày với hơn 100 điều khoản nhằm hỗ trợ tăng trưởng, đa dạng hóa nền kinh tế và tránh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng phải đóng cửa tạm thời hoặc phá sản. Cụ thể, Nga đã đưa ra loạt biện pháp nhằm kích thích sản xuất trong nước như tăng mua sắm công từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập trung tâm điều phối tìm kiếm các đơn hàng lớn về cho các doanh nghiệp Nga. Trong đó, việc triển khai chương trình thay thế nhập khẩu hợp lý được Tổng thống V.Putin coi là ưu tiên dài hạn của Nga. Trong tổng số tiền cần phải chi, phần đáng kể sẽ dành để hỗ trợ hệ thống ngân hàng, phân bổ cho ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế...

Để đáp ứng được các nhu cầu chi tiêu và tránh phải cắt giảm ngân sách, Nga sẽ dùng đến nguồn dự trữ để ổn định tài chính. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, đây chỉ là biện pháp ngắn hạn. Hiện tại, điều đáng lo ngại nhất là giá cả leo thang mà nguyên nhân do Chính phủ Nga năm ngoái đã trả đũa các nước phương Tây bằng việc cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm. Tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng được dự báo khiến lạm phát tại Nga lên đến 13% trong tháng này. Trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nga vừa quyết định tăng lãi suất chỉ đạo lên tới 17%, gói cứu trợ được cho là cần thiết để ngăn chặn tình trạng đồng ruble bị tuột giá. Thế nhưng, hành động này cũng khiến tiền trở nên khan hiếm, tư nhân và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư vì lãi suất quá cao.

Cũng theo giới chuyên gia, các biện pháp chống khủng hoảng trong nền kinh tế sẽ không phát huy tác dụng như mong muốn, nếu Nga và phương Tây chưa có những bước đi tích cực hướng tới hòa giải quan hệ. Hiện tại, Liên minh Châu Âu (EU) là nguồn bơm vốn đầu tư phát triển trực tiếp (FDI) mạnh nhất vào Nga, cũng là đối tác thương mại chủ chốt, với kim ngạch lên tới 412 tỷ USD thời kỳ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Cách đây ít ngày, Mỹ và EU còn cảnh báo sẽ loại Nga ra khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT). Nếu bước đi mới này của Mỹ và đồng minh phương Tây thành hiện thực, Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động giao thương quốc tế, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ từ đối tác nước ngoài. Đây sẽ là một cú đánh mạnh nữa vào nền kinh tế vốn đang "gặp bão" của xứ Bạch dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Nga tung lá chắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.