Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Mỹ “chịu thiệt” vì hòa bình Trung Đông?

Quỳnh Dương| 27/08/2017 07:18

(HNM) - Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đứng trước triển vọng tích cực nhờ những chuyến công tác

Bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông đã đẩy người dân Palestine vào cảnh cùng cực.


Quyết tâm lập lại hòa bình Trung Đông - vấn đề mà nhiều đời Tổng thống Mỹ chưa thể xử lý trọn vẹn - đang được Nhà Trắng thúc đẩy gấp rút. Chuyến thăm tới Israel và Palestine của ông Jared Kushner - Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ vào ngày 24 và 25-8 cũng không nằm ngoài mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh Palestine tỏ ra nghi ngờ những động thái thực sự của Nhà Trắng. Mặc dù đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định mong muốn lập lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân trong khu vực, song đến thời điểm này, Tổng thống D.Trump chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để tiến tới một giải pháp lâu dài cũng như không đề cập tới quan điểm về giải pháp “hai nhà nước” và quyền lợi của người dân Palestine. Trong khi đó, ngày càng có nhiều quốc gia, bao gồm cả những nước đồng minh của Mỹ, tuyên bố công nhận chủ quyền của Nhà nước Palestine. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ đối với người đứng đầu Nhà Trắng khi thời gian đợi Mỹ tạo ra bước đột phá trong vai trò dẫn dắt hòa bình Trung Đông đã quá dài mà chưa đạt được kết quả cụ thể.

Cuộc đàm phán hòa bình, do Mỹ làm trung gian, giữa Israel và Palestine gần đây nhất đã chấm dứt vào tháng 3-2014. Kể từ đó tới nay, tất cả các bên đều không đạt được bước tiến nào vì quan điểm trái ngược. Hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các tranh cãi mấu chốt bao gồm: Đường biên giới cho Nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây trong đó có Đông Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, quy chế đối với TP Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân… Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng con đường duy nhất để Palestine được công nhận Nhà nước độc lập là thông qua đàm phán với Israel. Còn Palestine lại muốn tiến trình hòa bình được thông qua bằng những nỗ lực đa phương.

Nếu không có một bước đi cụ thể để gỡ bỏ những bế tắc hiện tại, thì bạo lực có thể sẽ gia tăng thêm những cấp độ mới. Nói một cách khác, thất bại trong tiến trình thúc đẩy hòa bình Israel - Palestine có thể khiến tình hình thêm phức tạp cả trên bàn ngoại giao và trên chiến trường. Rõ ràng, những năm qua, xung đột kéo dài không chỉ khiến người dân nơi đây trở thành những nạn nhân cùng cực nhất trên thế giới mà còn ảnh hưởng tới an ninh của toàn khu vực và thế giới. Mới đây, đặc phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov cũng đã cảnh báo, tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc sẽ khiến chủ nghĩa cực đoan tiếp tục hoành hành và gây ra những hậu quả nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực.

Suốt 25 năm qua, các đời Tổng thống Mỹ, dù theo trường phái chính trị nào, cũng đều “thử sức” với "bài toán" Israel - Palestine để rồi thất bại. Thống kê cho thấy, Mỹ đã từng phủ quyết hơn 60 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đáng nói là nếu những nghị quyết trên được thực hiện sẽ tạo đột phá theo hướng có lợi cho hòa bình Trung Đông. Như vậy có nghĩa, Washington giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định cho khu vực. Hay nói cách khác, việc “chú Sam” sẵn sàng chịu thiệt tới đâu trong mối quan hệ lợi ích với đồng minh Israel sẽ là câu trả lời cho vấn đề hòa bình Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ “chịu thiệt” vì hòa bình Trung Đông?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.