Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Đức lục đục vì người di cư

Thùy Dương| 11/10/2015 07:03

(HNM) -Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận được nhiều sự ngợi ca vì chính sách xử lý khủng hoảng người nhập cư và đưa nước Đức trở thành

Hàng nghìn người di cư coi Đức là miền đất hứa.



Ngày 9-10, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) - một đảng cánh hữu mới thành lập đầu năm 2013 nhưng đã có ghế ở Quốc hội Đức cũng như có ghế trong Nghị viện Châu Âu - đã gửi đơn kiện Thủ tướng A.Merkel lên Viện Công tố Berlin với những cáo buộc liên quan đến chính sách nhập cư. Trong đơn kiện, AFD nêu lý do muốn đưa bà A.Merkel ra công lý vì nữ Thủ tướng (hồi tháng 9-2015) đã ra quyết định cho phép những người tị nạn đang mắc kẹt ở Hungary được phép tự do đến Đức. Theo AFD, hành động này là "đưa người vào Đức một cách bất hợp pháp". Theo đuổi đường lối cứng rắn trong vấn đề khủng hoảng người nhập cư hiện nay, AFD yêu cầu Chính phủ phải dừng ngay lập tức việc tiếp nhận người di cư và tị nạn vào Đức và khẳng định các cơ sở tiếp nhận của nước này hiện nay không "đáp ứng các chuẩn mực về quyền con người". Theo yêu sách của AFD, những người di cư và tị nạn nếu không có thị thực sẽ không được vào Đức. Còn trong trung hạn, việc tiếp nhận người nhập cư và tị nạn sẽ phải theo cơ chế "hạn ngạch". Thời gian gần đây, AFD đã vận động được nhiều người Đức, nhất là người dân ở miền Đông ủng hộ các cuộc biểu tình lớn chống chính sách nhập cư của Chính phủ mà đảng này tổ chức tại thành phố Dresden, Erfurt...

Ngày 7-10 vừa qua, khoảng 8.000 người đã tham gia vào cuộc tuần hành do AFD tổ chức ở thành phố Erfurt, thủ phủ bang Thueringen, miền Trung nước Đức để phản đối chính sách nhập cư của chính phủ liên bang. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất tại thành phố này kể từ khi cuộc khủng hoảng người nhập cư trở thành tâm điểm tại quốc gia đầu tàu kinh tế Châu Âu. Áp lực từ nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối với Thủ tướng A.Merkel cũng tiếp tục gia tăng khi có tới 34 chính trị gia thuộc CDU ở nhiều bang cùng ký thư chỉ trích chính sách nhập cư của bà A.Merkel. Trong thư, những chính trị gia này cho rằng "chính sách đường biên giới mở" mà Thủ tướng A.Merkel đang cho phép áp dụng hiện nay không phù hợp cả với luật pháp Đức và Châu Âu, cũng như không tuân thủ theo cương lĩnh hành động của CDU. Theo những người ký tên, năng lực tiếp nhận của Đức đã đạt tới giới hạn tối đa và chính quyền địa phương ở nhiều khu vực miền Nam của nước này đã ở tình trạng "kiệt sức".

Đầu tháng 9-2015, trong lúc Liên minh Châu Âu (EU) đùn đẩy trách nhiệm cho nhau về việc tiếp nhận người tị nạn thì Thủ tướng Đức A.Merkel là người đầu tiên đã nêu lên trách nhiệm đạo đức của toàn khối trước những nạn nhân Syria đang chạy trốn bom đạn và khủng bố. Trong lúc Hungary đóng cửa biên giới thì người dân Đức hân hoan chào đón những đoàn tàu xuất phát từ Áo, trên đó đầy ắp người tị nạn đã đi qua lãnh thổ Hungary rồi Áo để đến nước Đức. Trong mắt người di tản, Đức cùng với Thụy Điển và Anh, là những miền đất hứa. Berlin dự trù trong năm nay sẽ đón nhận đến 800.000 người tị nạn. Nhưng chỉ trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, số người nước ngoài tràn vào Đức đã đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Những thông tin trên như góp thêm củi lửa cho phe chống chính sách nhập cư của Thủ tướng A.Merkel. Ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích việc Thủ tướng Đức mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn, mà không lường trước những hậu quả. Thậm chí những tiếng nói trong đảng CDU luôn đứng về phía bà A.Merkel, nay cũng đã phải nhìn nhận là khả năng đón tiếp người nhập cư của Đức có hạn.

Tuy nhiên, dù bị chính các liên minh của mình gây sức ép, nhưng Thủ tướng A.Merkel vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Berlin đã đòi hỏi các đối tác trong EU cùng hợp lực để vượt qua thử thách, vừa cứng rắn với những người nhập cư trái phép vì lý do sinh nhai, vừa tính đến yếu tố nhân đạo. Bà phê phán kịch liệt tâm lý bài ngoại, đồng thời cho biết nước Đức sẵn sàng tiếp nhận thêm người tị nạn Syria và đặt nền móng cho một giải pháp của Châu Âu trước vấn đề nhức nhối này. Bà A.Merkel đưa ra cảnh báo rằng, đối với tương lai của EU, cuộc khủng hoảng người nhập cư sẽ để lại những hậu quả tệ hơn cả khủng hoảng kinh tế: "Nếu Châu Âu không thể giải câu đố về người tị nạn, đó không phải là Châu Âu mà chúng ta vẫn mong ước".

Sau khi chứng tỏ vai trò của một vị "tổng đạo diễn" trong bộ phim truyền hình dài tập giải cứu Hy Lạp, cuộc khủng hoảng người nhập cư đã thách thức vai trò lãnh đạo của người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu. Tuy nhiên, trên góc độ xã hội và nhân đạo, những gì bà A.Merkel đã làm khắc họa hình ảnh một chính trị gia nhân ái, gần gũi và biết cảm thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Đức lục đục vì người di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.