(HNM) - Những ngày tháng 6 này, những người lính Hải quân trên núi không có thời gian
Hải quân... trên núi cao
Giong xe trên những cung đường vòng vèo uốn lượn, cuối cùng tôi cũng đặt chân lên Trạm ra đa 550. Đã là cuối chiều, nắng biển vẫn chói chang như rót mật, trời trong xanh bao la. Nhìn từ cổng trạm, đảo Lý Sơn hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc với mặt biển xanh, ôm trọn những ô thửa trồng hành, tỏi đặc sản làm cho cảnh sắc nơi đây thêm tuyệt mỹ. Người đầu tiên đón tôi là Trung tá Hồ Bá Trung - Trạm trưởng và Thượng úy Lê Phú Quý - Chính trị viên. Những cái bắt tay giữa non cao trước trùng khơi sóng vỗ thật ấm áp, cảm động. "Lính hải quân nhưng anh em ở đây chỉ được "ngắm" biển, không được lênh đênh trên những con tàu như các đơn vị khác. Anh đến đây vào lúc thời tiết thuận chứ vào mùa gió Đông Bắc, biển động thì điều kiện thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt. Ở điểm cao thừa nắng, thừa gió này, sức gió bao giờ cũng lớn hơn dưới chân núi một cấp. Chỉ cần trên biển có gió cấp 3-4, Trạm đã bị cô lập vì không thể đi lại được. "Những lúc đó, toàn bộ chiến sĩ coi trạm là nhà, phải dùng thực phẩm khô dự trữ. Rau xanh, gia cầm tự tăng gia trở thành đặc sản" - Thượng úy Lê Phú Quý giới thiệu vắn tắt về tình hình đơn vị.
Các chiến sĩ Trạm ra đa 550 bảo quản khí tài. |
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trong trạm, Thượng úy Lê Phú Quý vừa kể: Những ngày này, anh em trực có vất vả hơn nhưng tất cả không ai bảo ai đều chung chí hướng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo quê hương. Và có lẽ chỉ cần quan sát nơi ăn, chốn ở, tác phong sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở đây cũng thấy tinh thần làm việc hăng say của các anh. Thường mỗi ca trực của các anh kéo dài 24 giờ liên tục, hôm sau được nghỉ bù để hôm sau nữa lại vào ca trực mới. Nhưng những lúc rảnh rỗi, họ lại cùng nhau trồng rau, nuôi lợn, gà, chơi thể thao... Tôi thật sự bất ngờ khi giữa nơi thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước ngọt, nước tưới chỉ dựa vào trời, ấy vậy mà nơi đây vẫn có những mảnh vườn rau muống xanh tốt, những cây đu đủ, chanh leo cho trái mập mạp. Không chỉ có thế, các anh còn rất "mát tay" trong chăn nuôi lợn, bò. "Đàn bò hơn chục con anh thấy ở lưng chừng núi là của đơn vị đấy. Sáng chúng tự đi ăn, chiều tà chúng lại tự dắt nhau về. Vừa rồi trạm có bán đi hai con bò để lấy thêm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất. Thi thoảng trạm cũng được đón tiếp, giao lưu với các em học sinh, thầy cô giáo và đoàn viên thanh niên địa phương để củng cố đoàn kết tình quân dân. Đơn vị cũng có một sân đấu bóng chuyền, một giàn karaoke nhưng tiếc là bộ loa đã hỏng mà chưa có điều kiện thay thế" - Thượng úy Lê Phú Quý cho biết thêm.
Chuyện tình nơi đảo tiền tiêu
Ở Trạm ra đa 550, Trạm trưởng Hồ Bá Trung, sinh năm 1967, quê Diễn Châu (Nghệ An) được anh em chiến sĩ xếp vào chức "già làng" vì thế hệ cán bộ, chiến sĩ của trạm ngày nay hầu hết đều ở độ tuổi 7X, 8X. Tuy mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh, lứa tuổi khác nhau nhưng họ cùng chung ý chí đúng như khẩu hiệu của lính ra đa Hải quân là "Tích cực chủ động, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng".
Phút giải lao của các chiến sĩ. |
Trung tá Hồ Bá Trung cho biết, do đặc thù công việc nên 100% cán bộ, chiến sĩ ở đây là nam giới và tình nguyện ra đảo. Trong đó, có đến 50% chiến sĩ đã se duyên cùng con gái đảo Lý Sơn. "Anh biết vì sao anh em ở đây được nhân dân tin yêu, tiến tới gả con gái cho không? Là vì người dân miền biển rất quý bộ đội Hải quân, xem lính ta như người thân trong nhà. Người giữ kỷ lục thời gian làm nhiệm vụ tại đơn vị là Thiếu tá Lê Văn Huy (sinh năm 1964, quê Thanh Hóa), với thâm niên 30 năm; đồng thời anh Huy cũng là rể Lý Sơn. Không hiểu anh Huy có "mát tay" hay không nhưng hầu như năm nào đơn vị cũng có đám cưới, trong đó chú rể là "cư dân" trạm 550 và cô dâu là con gái Lý Sơn" - Thượng úy Lê Phú Quý vừa hỏi tôi nhưng cũng hàm ý tự trả lời luôn.
Trong số những cặp vợ chồng chiến sĩ - con gái Lý Sơn, có lẽ chuyện tình của Thượng úy Hoàng Đình Hinh và vợ là chị Bùi Thị Bích Thuận, giáo viên Trường THCS Lý Sơn để lại trong tôi nhiều suy tư nhất. Chẳng là chị Thuận 11 năm nay mắc bệnh suy thận mạn tính nên gia cảnh của anh chị vô cùng khó khăn. Vì không có điều kiện đi chữa trị dài ngày ở các bệnh viện lớn nên anh Hinh thường được đơn vị tạo điều kiện bố trí thời gian về chăm sóc vợ. Suốt hơn chục năm qua vợ chồng họ dìu nhau vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương sáng để không chỉ chiến sĩ trạm 550 mà những ai biết đến đều phải thán phục.
Theo Trung tá Hồ Bá Trung, hoàn cảnh gia đình của hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong trạm đều khó khăn, cũng như người dân trên hòn đảo tiền tiêu này. "Ngay như Chính trị viên Lê Phú Quý quê ở Gio Linh (Quảng Trị) cũng vậy. Quý sinh năm 1984, mới cưới vợ năm 2011 và có con trai 10 tháng tuổi nhưng từ Tết tới giờ cũng chưa được về thăm nhà. Vợ Quý dù tốt nghiệp loại giỏi ngành du lịch của ĐH Phú Xuân nhưng đến nay cũng chưa xin được việc làm, hai mẹ con đang ở nhờ ông bà ngoại ở quê nhà Quảng Trị" - Trung tá Hồ Bá Trung cho biết.
Ngay như Trung tá Hồ Bá Trung, cuộc sống của người lính Hải quân như anh cũng là những ngày tháng biền biệt xa nhà. Nhận nhiệm vụ tại đảo Lý Sơn cách đây 3 năm, anh Trung cũng ít khi được về nhà, trong khi vợ cũng là quân nhân ở một đơn vị Hải quân khác. Đến nay, anh em trong đơn vị vẫn nhắc lại chuyện ngày cưới con gái đầu, anh Trung cũng chỉ được về nhà đúng ngày đưa dâu rồi phải trở lại ngay đơn vị làm nhiệm vụ. Dù phía trước còn không ít gian nan, nhưng tôi vẫn nhận thấy trong ánh mắt anh Trung ánh lên niềm vui khi kể chuyện cậu con trai thứ hai đã tiếp bước cha và hiện là sinh viên năm thứ hai Học viện Hải quân.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do hoàn cảnh gia đình cũng như cuộc sống khắc nghiệt trên đảo, nhưng khi trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 550 vẫn thấy rõ ở họ một tấm lòng chân tình, cởi mở, nhiều khi xúc động khó tả. Họ ít khi kể về mình, kể về những gian khổ mà người lính ra đa hải quân phải đối mặt hằng ngày nhưng luôn dành cho hậu phương một niềm tin lạ thường. Rằng, họ nguyện cống hiến hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ kịp thời phát hiện những tàu lạ, không để chúng xâm nhập trái phép vào vùng biển chủ quyền, để Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống.
... Rời Trạm ra đa 550 khi màn đêm đã bủa vây. Con đường dốc ban ngày vốn đã khó đi với những người không thạo đường nay càng khó hơn gấp bội. Nhưng ấn tượng về cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 550 để lại trong tôi thật sâu đậm, nhất là dòng chữ ghi trên bức vách mà ai đến đây cũng đều nhìn thấy. "Lính ra đa: Chọn núi cao làm nhà, chọn đảo xa xây tổ ấm!". Chúng nhắc tôi ghi vào tâm khảm hàng chữ ấy để hiểu thêm về các anh - những đôi "mắt thần" canh giữ Biển Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.