Thế giới

Nga - Indonesia tập trận hải quân chung lần đầu tiên:Hướng tới chính sách ngoại giao cân bằng

Thùy Dương 06/11/2024 - 06:49

Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên với Nga từ đầu tuần này. Cuộc tập trận mang tính biểu tượng cho thấy, chính quyền của tân Tổng thống Prabowo Subianto có ý định theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng đối với các cường quốc cũng như tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho Jakarta trên trường quốc tế.

tap-tran.jpg
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận hải quân chung Nga - Indonesia. Ảnh: DW

Theo Hải quân Indonesia, cuộc tập trận kéo dài 5 ngày (từ ngày 4 đến 8-11) tại Surabaya, một cảng ở phía Đông Java và vùng biển xung quanh với sự tham gia của 3 tàu hộ vệ, 1 trực thăng, 1 tàu cứu hộ đến từ Nga. Indonesia từng tham gia các cuộc tập trận chung với Nga trong quá khứ như một phần trong các hoạt động của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cũng tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ và các đồng minh của nước này.

"Cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của Indonesia với Nga đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cách quốc gia này tương tác với thế giới", nhà phân tích hàng đầu về Indonesia tại Công ty tư vấn chiến lược Global Counsel Dedi Dinarto cho biết. Còn Phó Giáo sư tại Trường sau đại học về Ngoại giao Paramadina Anton Aliabbas nhận định: "Thay vì chỉ tập trung vào tương tác với các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, chính quyền của tân Tổng thống Prabowo Subianto đang áp dụng cách tiếp cận đa phương, cho phép Indonesia hợp tác với nhiều đối tác đa dạng. Họ tái khẳng định rằng, chúng tôi sẽ không xa lánh một hoặc hai quốc gia trên trường địa chính trị".

Cuộc tập trận diễn ra chỉ hai tuần sau khi cựu tướng quân đội Prabowo Subianto nhậm chức Tổng thống Indonesia. Tổng thống Prabowo Subianto đã tuyên thệ một mặt sẽ duy trì chính sách đối ngoại trung lập lâu nay của Jakarta, nhưng mặt khác cũng đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho quốc gia đông dân thứ tư thế giới và đưa Indonesia vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu.

Indonesia từ lâu vẫn duy trì chính sách đối ngoại trung lập và từ chối đứng về phe nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hay sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc nhưng nhà lãnh đạo mới của quốc gia Vạn đảo đã kêu gọi tăng cường quan hệ với Mátxcơva bất chấp áp lực của phương Tây đối với Jakarta. Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Pieter Pandie cho biết: "Đây là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm nâng cao mối quan hệ với bất kỳ ai miễn là có lợi cho Indonesia".

Cuối tháng 7-2024, ông Prabowo Subianto trong vai trò Tổng thống đắc cử, đã có chuyến thăm Nga. Ông muốn báo hiệu với cộng đồng trong nước và quốc tế rằng khi chính thức nhậm chức tổng thống, chính quyền Indonesia vẫn kiên quyết cam kết về chính sách đối ngoại trung lập và tự chủ, “là bạn của tất cả” và giữ mối quan hệ với tất cả các cường quốc trong trạng thái cân bằng.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo Subianto đã lập luận rằng, Indonesia cần phải "tái cân bằng" chính sách đối ngoại của mình vì nước này đã trở nên quá thân phương Tây trong vài thập kỷ qua. Lý do thứ hai cho chuyến thăm Mátxcơva của ông Prabowo Subianto là để nhấn mạnh tình hữu nghị lâu dài của Indonesia với Liên bang Nga và đặt nền tảng cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai chính phủ trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, lương thực, y tế, an ninh năng lượng, hợp tác quốc phòng…

Theo cơ quan giám sát vũ khí SIPRI, Jakarta có mối quan hệ thương mại trị giá hàng tỷ USD với Mátxcơva nhưng hoạt động nhập khẩu vũ khí lớn đã đình trệ trong những năm gần đây sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014 và phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022. Indonesia đã giữ lập trường trung lập về xung đột Nga - Ukraine.

Mặc dù, Indonesia liên tục bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine của Mátxcơva, nhưng nước này không lên án trực tiếp hoặc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Dẫu vậy, Jakarta rất muốn thấy một giải pháp cho cuộc xung đột này vì nó vẫn tiếp tục tác động đến giá lương thực và năng lượng. Trong khi đó, Nga hoan nghênh chuyến thăm của ông Prabowo Subianto vì chuyến thăm cho thấy, các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã không thành công, đặc biệt là trong quan hệ với các quốc gia ở Nam bán cầu. Hơn nữa, Mátxcơva mong muốn tăng cường quan hệ thương mại và quân sự với các quốc gia không phải phương Tây để phát triển nền kinh tế và lách các lệnh trừng phạt.

Có thể thấy, việc tổ chức một cuộc tập trận hải quân song phương với Nga là bước phát triển đáng chú ý trong chính sách ngoại giao cân bằng với các cường quốc của tân Tổng thống Prabowo Subianto, đồng thời tối ưu hóa lợi ích kinh tế và an ninh của Indonesia trong bối cảnh chính trị toàn cầu đầy biến động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nga - Indonesia tập trận hải quân chung lần đầu tiên: Hướng tới chính sách ngoại giao cân bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.