Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa thế kỷ đi tìm hình Hà Nội

Anh Thái| 09/10/2010 07:27

(HNM) - Có một người Sài Gòn chưa từng biết Hà Nội, nhưng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã say mê, tìm kiếm sưu tập những bức ảnh về Hà Nội xưa.

Gần 50 năm, ông đã sở hữu trên 700 nghìn tư liệu, hình ảnh về Hà Nội và vừa cho ra mắt hai tập ảnh Hà Nội xưa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông là Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng TP Hồ Chí Minh. Trong lúc "trà dư tửu hậu", ông đã bộc bạch những cảm xúc của mình.

… Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng ở đất Hà Nam (Phủ Lý). Vì nghèo đói, cha tôi đã vào Nam từ bé để sinh sống. Ông học ở Trường Mỹ thuật Biên Hòa, rồi mở xưởng chuyên làm bàn ghế trang trí cho các cửa tiệm ở Sài Gòn. Ông sớm tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh tại chiến khu D. Do đó, dù ở miền Nam, tôi vẫn mãi nghĩ đến những cánh đồng chiêm trũng - nơi cha tôi từng chăn trâu, cắt cỏ và tôi suy tưởng đến nguồn gốc của mình ở miền Bắc, nơi ấy có Thủ đô Hà Nội. Chỉ sau năm 1975, tôi mới biết cha tôi đã hy sinh và nhận được giấy chứng tử. 9 năm sau ngày đất nước độc lập, tôi mới có dịp ra Hà Nội báo cáo về một công trình nghiên cứu. Lúc ấy, tôi ở trong ký túc xá sinh viên ĐH Bách khoa.

Bìa cuốn sách Hà Nội xưa của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng.

Dường như "cái duyên đàng Bắc" quyện vào tôi khi vô tình phát hiện một pho tư liệu quý về Hà Nội và Bắc bộ dưới gầm cầu thang Thư viện Khảo cổ Sài Gòn năm 1962. Đó là Bộ Technique du Peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam). Bộ tư liệu quý này được chính quyền Pháp đưa từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954 để chuyển đi Paris; nhưng nó đã bị phát hiện và bị giữ lại một khối lượng lớn nhờ một người Việt Nam ẩn danh. Dò dẫm tìm hiểu từ trong Nam ra Bắc, từ Paris sang Tokyo - thông qua các mối quan hệ mà tôi đã tập hợp khá đầy đủ bộ tư liệu nói trên gồm hai văn bản (Nam một bộ, Bắc một bộ rưỡi), và các tư liệu trong cuộc đời H.Oger lưu trữ tại Paris. Công trình này là đề tài nghiên cứu của tác giả Henri Oger- một nhà Đông Phương học bất hạnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sorbonne Paris năm 19 tuổi, ông bị động viên phục vụ binh dịch trong hai năm tại Đông Dương. Ông đã xin toàn quyền Albert Sarrant cho ông ta được ở lại Bắc kỳ để thực hiện đề tài nói trên vào hai năm 1908-1909 tại Hà Nội.

Đây là bộ tư liệu gồm 4.577 bức ký họa vẽ nhiều mặt đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh… ở xã hội Hà Nội và miền Bắc. Phần lớn trên mỗi bức đều có chú giải Hán Nôm của nghệ nhân Việt Nam và một văn bản khác, trong đó H.Oger chú giải bằng tiếng Pháp. Từ đây hình ảnh về Hà Nội đã hiện lên trong tôi như một điều gì đó thiêng liêng, nên tôi quyết tâm tìm kiếm, sưu tầm những hình ảnh về Hà Nội xưa như một lời tri ân, hoài cổ về tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Đối với tôi, có lẽ Hà Nội xưa ấn tượng nhất chính là những hình ảnh đời thường, từ cảnh mò cua, bắt ốc đến anh nông dân cày ruộng, người thợ mộc đang say sưa bên khúc gỗ, những cô gái bên gánh hàng rong… Bằng nguồn tư liệu này, tôi hình thành luận án tiến sĩ sử học mang khuynh hướng văn hóa do Giáo sư Đinh Xuân Lâm bảo trợ. Tôi đã bảo vệ thành công. Hiện nay, tôi đang lưu trữ bản vi phim của hãng phim Alpha Sài Gòn chụp cho tôi năm 1962.

Tôi quan niệm, sưu tầm tư liệu mang kỷ niệm của cha tôi ở đất Bắc. Do đó, nhịn ăn một tô phở hay một đĩa bánh cuốn tôi sẽ đổi được một quyển sách cũ hay một tờ báo cũ của những năm 30. Dần dà, tủ sách lớn dần và đầy cả nhà. Dù trải qua cuộc chiến tranh tại miền Nam kéo dài nhiều năm, tôi vẫn bảo vệ nó, và cũng có lúc ngồi trong nhà giam tôi vẫn lo lắng cho nó. Trước đây, tôi đã nghiên cứu sắc phong Việt Nam qua bộ sưu tập sắc phong Triều Nguyễn của tôi - để đối chiếu với hệ thống sắc phong Nhật Bản mà tôi đã tiếp xúc làm với các học giả Nhật Bản từ trước và sau năm 1975. Ngoài ra, từ bộ sưu tập về bưu thiếp và hình ảnh xưa của Đông Dương, tôi đã cùng Tạp chí Xưa & Nay ấn hành các quyển sách về Hà Nội Xưa, Huế Xưa, Sài Gòn Xưa và sắp tới là Việt Nam Xưa.

Trước khi chia tay, người viết bài này hỏi: Đến giờ trong ông lưu luyến những gì của Hà Nội? Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Tôi thích nghe tiếng leng keng của xích lô, tiếng rao hàng ban sớm, tôi thích cái quán bán bánh cuốn, xôi nóng và uống cốc nước chè nóng bên lề đường và thích tản bộ phố Bà Triệu, phố Huế… Đặc biệt là món phở. Trước 1975 tôi đã được "ăn" qua cuốn Món ngon Hà Nội của nhà văn Thạch Lam. Phở đã được cụ Nguyễn Tuân ca ngợi. Chẳng thế mà món phở đã được xếp là một trong mười món ngon dân gian hàng đầu của thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ đi tìm hình Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.