Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa thế kỷ cuộc khủng hoảng kênh đào Xuy-ê

ANHTHU| 28/10/2006 07:51

Ngày mai (29-10), Ai Cập sẽ kỷ niệm 50 năm xảy ra khủng hoảng kênh đào Xuy-ê, cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Sự kiện lịch sử 5 thập kỷ về trước đã báo hiệu sự suy sụp của hai nước đế quốc già cỗi là Anh và Pháp và là cơ hội để Mỹ chen chân vào khu vực chiến lược này.

Ngày mai (29-10), Ai Cập sẽ kỷ niệm 50 năm xảy ra khủng hoảng kênh đào Xuy-ê, cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Sự kiện lịch sử 5 thập kỷ về trước đã báo hiệu sự suy sụp của hai nước đế quốc già cỗi là Anh và Pháp và là cơ hội để Mỹ chen chân vào khu vực chiến lược này.

Tuy chịu nhiều tổn thất với cơ sở hạ tầng bị hư hại, 921 người thiệt mạng nhưng cuộc chiến đã giúp Ai Cập đạt được mục tiêu: Giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với kênh đào Xuy-ê.

Kênh đào Xuy-ê dài 163 km, sâu 16,5-17m, rộng 120-150m, nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải, là con đường hàng hải chiến lược không thể thay thế cả về giao thương lẫn quân sự trên đất Ai Cập. Kênh Xuy-ê có vai trò rất quan trọng góp phần rút ngắn tuyến đường biển cho những con tàu (dưới 150 nghìn tấn), đi từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải đến Biển Đỏ rồi qua ấn Độ Dương hay ngược lại. Nhờ có kênh đào Xuy-ê, con đường biển từ Luân Đôn (Anh) tới Bom Bay (ấn Độ) đã tiết kiệm được gần 12.000km.

Ý tưởng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ có từ thời Pha-ra-ông, tuy nhiên, phải đến năm 1859 công trình mới được khởi công do Cty Universal Suez Ship Canal điều hành. Hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập đã tham gia xây dựng. Trải qua 10 năm xây dựng với rất nhiều khó khăn (125.000 công nhân bỏ mạng), ngày 17-11-1869, kênh đào Xuy-ê khánh thành và đi vào sử dụng.

Kể từ khi được mở cửa lưu thông, kênh đào Xuy-ê nhanh chóng tác động đến sự phát triển của nền giao thương thế giới. Lúc đầu, quyền khai thác kênh thuộc về một Cty Anh - Pháp nhưng từ năm 1956 kênh đã được quốc hữu hóa. Đến giữa năm 1967, I-xra-en xâm chiếm Ai Cập, hoạt động của kênh phải tạm dừng, đến 6-1975 mới tiếp tục hoạt động trở lại.

Trở lại cuộc khủng hoảng kênh đào Xuy-ê, quyết định quốc hữu hóa kênh đào này của Tổng thống Ai Cập Ga-man A-đen Na-sơ đã làm phật lòng nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Anh, Pháp và cả I-xra-en. Để giải quyết bất đồng, Anh, Pháp và I-xra-en thỏa hiệp với nhau. Ngày 29-10-1956, I-xra-en bất ngờ tấn công Ai Cập đánh chiếm bán đảo Xi-nai. Hai ngày sau, Pháp và Anh can thiệp quân sự, yêu cầu được đưa quân vào chiếm đóng kênh Xuy-ê và thiết lập vùng đệm 16 km ở hai bờ. Máy bay ném bom Anh và Pháp quần đảo bầu trời Ai Cập, uy hiếp chính quyền Cai-rô. Liên Xô lúc đó đứng về phía Na-sơ và đe dọa tham chiến. Tuy nhiên, dưới áp lực của LHQ và Mỹ, cuộc can thiệp quân sự đã bị ngăn chặn. Cuộc khủng hoảng kết thúc đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng đế quốc của Anh và Pháp ở Trung Đông, đồng thời mở đường cho Mỹ đảm nhận một vị trí chính trị nổi bật ở khu vực. Uy tín của Tổng thống G. A. Na-sơ không ngừng nâng cao trong dân chúng Ai Cập vàviệc kiểm soát hoàn toàn đối với kênh đào Xuy-ê đã đưa ông lên hàng anh hùng của thế giới A-rập.

Hiện nay, cùng với du lịch, việc khai thác kênh đào Xuy-ê là một trong những ngành dịch vụ thương mại quan trọng của Ai Cập. Trong năm 2005, hơn 18.700 tàu của các nước chở theo 665 triệu tấn hàng hóa các loại qua kênh đào này, mang lại cho Ai Cập một khoản thu nhập lên đến 3,42 tỷ USD so với 3,275 tỷ USD của năm 2004. Đặc biệt, kênh Xuy-ê có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển. Chính phủ Ai Cập đang có kế hoạch đào sâu thêm kênh Xuy-ê để đủ khả năng đón những con tàu tải trọng lớn hơn và từ năm 2006 này, Ai Cập đã tăng lệ phí quá cảnh lên 3% cho các tàu nước ngoài qua lại kênh đào.

Do có con đường biển chiến lược trong bối cảnh khu vực Trung Đông luôn đầy biến động, Ai Cập được Mỹ xem là “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông của mình. Trong cuộc chiến I-rắc, Ai Cập đã cho phép tàu chiến Mỹ qua lại tự do trên kênh đào Xuy-ê. Kể từ năm 1979, Ai Cập đã nhận hơn 60 tỷ USD viện trợ của Mỹ. Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng khoản viện trợ đó nhằm hỗ trợ cho chính sách đối ngoại và các mục tiêu an ninh của Mỹ tại khu vực này.

Nguyễn Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nửa thế kỷ cuộc khủng hoảng kênh đào Xuy-ê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.