(HNMO) - Ngày 1/4, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU 132, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có báo cáo về kết quả của Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, với sự tham dự của đông đảo các Nghị sĩ đại diện cho cả hai giới, Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung thiết thực và hiệu quả gắn với chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132, trong đó có hai chủ đề về Chiến tranh mạng và Quản trị nguồn nước. Đây cũng là những vấn đề rất quan trọng đối với phụ nữ.
Về không gian mạng, đây là một nhân tố then chốt trong thế giới toàn cầu hóa. Đối với phụ nữ, không gian mạng có thể là nguyên nhân tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, nắm bắt cơ hội và cũng có thể là nguồn gốc tạo nên bạo lực. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu cần có luật pháp và chính sách để làm cho không gian mạng an toàn hơn; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia để chống lại nguy cơ mạng, vì không gian mạng không có biên giới, không có lãnh thổ và không có quốc tịch. Hội nghị cũng kêu gọi sự quan tâm tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ hiện đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của các cuộc chiến tranh và xung đột; bày tỏ sự lo ngại những tội ác như vậy có thể được phát tán qua không gian mạng.
Về quản trị nguồn nước, Hội nghị nhấn mạnh tại các nước đang phát triển và các vùng nông thôn, phụ nữ và các bé gái thường phải đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình qua những quãng đường xa, trong điều kiện không an toàn, dễ gặp bạo lực. Do vậy, Hội nghị khuyến nghị trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược về quản trị nguồn nước, cần đặt lợi ích và nhu cầu của phụ nữ lên hàng đầu để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận một cách an toàn với nguồn nước. Hội nghị cũng khẳng định cần đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào tất cả các cơ chế ra quyết định về quản trị nguồn nước ở cả cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.
Sau phiên thảo luận, Hội nghị đã đề xuất một số sửa đổi, bổ sung đối với dự thảo Nghị quyết của hai Ủy ban Thường trự và phần lớn các đề xuất của Hội nghị đã được chấp thuận, đưa vào Nghị quyết cuối cùng của Đại hội đồng.
Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ lần thứ 21 Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, Cương lĩnh Bắc Kinh + 20 cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự, thu hút nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi và thú vị. Các đại biểu đã tập trung đánh giá những thành tựu đạt được trong lĩnh vực quyền phụ nữ, bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý và ra quyết định.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như định kiến xã hội, sự phân biệt đối xử với nữ giới, các lề thói trọng nam khinh nữ, khó khăn về tài chính, chủ nghĩa bảo thủ ngày càng gia tăng và sự chống đối một cách cực đoan đối với quyền của phụ nữ và các bé gái ... Hội nghị khuyến nghị tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ trong các vị trí ra quyết định chiến lược, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và tại các cấp lãnh đạo địa phương. Hội nghị cho rằng, sự đóng góp tích cực của các Nghị viện là điều kiện tiên quyết để thực hiện toàn diện Cương lĩnh Bắc Kinh.
Hội nghị đã bầu thêm ba thành viên mới của Ủy ban Điều phối là Bà J. Nze Mouenidiambou (đại biểu Gabon) đại diện của nhóm châu Phi, Bà A.Algharagere (đại biểu Jordan) của nhóm Ả Rập và bà W.A Khan (đại biểu Bangladesh) của nhóm châu Á-Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp của Uỷ ban Điều phối ngày 31/3, các thành viên của Uỷ ban đã thảo luận và nhất trí về chiến lược nâng cao vai trò của Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Theo đó, tại phiên họp tới của Hội nghị Nữ nghị sĩ chúng tôi sẽ đệ trình một số sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường vị thế của Hội nghị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng và thúc đẩy việc lồng ghép giới vào các hoạt động của IPU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.