(HNM) - Bà Nguyễn Thị Thọ, nhân viên vệ sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) luôn cần mẫn, nỗ lực vượt khó để đảm đương tốt khối lượng công việc. Với bản tính thật thà, tốt bụng, bà Thọ được nhà trường và các em học sinh quý mến, trân trọng.
Thân thiện với học sinh
Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng năm 2022 đối với bà Nguyễn Thị Thọ là điều vô cùng bất ngờ. Bao năm nay bà đã quen thấy việc gì nên làm là làm, không do dự, nên không ngờ có ngày việc mình làm lại được biểu dương, khen thưởng. Nói về niềm vinh dự này, bà Thọ vẫn còn e dè: “Việc tôi làm cũng bình thường thôi, tôi thấy nhiều người còn làm được nhiều việc tốt lắm”.
Bà Nguyễn Thị Thọ làm nhân viên vệ sinh tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm từ tháng 8-2022. Chặng đường đi làm của bà cũng vất vả hơn nhiều người. Nhà ở thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa nên hằng ngày bà Thọ phải dậy từ 4h30, đi xe máy tới điểm gửi rồi đổi 2 chuyến xe buýt và đi bộ khoảng 1km mới đến Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, tổng quãng đường dài hơn 30km.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du rộng rãi, bà Thọ phụ trách vệ sinh khu vực sân trường và 1 dãy nhà 5 tầng. Dù ngày nắng hay ngày mưa, bà luôn cần mẫn hoàn thành khối lượng công việc của mình, góp phần cùng 2 nhân viên vệ sinh khác bảo đảm trường luôn sạch, đẹp.
Những ngày nắng, bà bận rộn việc quét lá ở sân trường, còn những ngày mưa hành lang dễ bẩn do nước mưa cùng dấu chân của các học sinh đi lại nên bà lại tập trung vệ sinh khu vực này. Không đợi đến cuối ngày mới làm một thể mà bà luôn tranh thủ khi học sinh vào tiết học và giờ nghỉ trưa để lau 5 dãy hành lang, các phòng vệ sinh của tòa nhà 5 tầng, tránh trơn trượt cho các cháu cũng như bảo đảm quang cảnh vệ sinh trường, lớp.
Không chỉ làm tròn nhiệm vụ quét dọn vệ sinh, bà Thọ còn đặc biệt quý mến các học sinh, thường hay trò chuyện, nhắc nhở các cháu thực hiện đúng nội quy nhà trường, vào lớp học đúng giờ. Thi thoảng có học sinh bị phạt lao động công ích bằng hình thức quét lá tại sân trường, bà Thọ lại hướng dẫn các cháu cách cầm chổi rồi chuyện trò động viên để các cháu ý thức được trách nhiệm của mình và đỡ cảm giác nặng nề khi thực hiện hình phạt.
Đôi khi có cái bánh, gói kẹo, củ khoai lang… bà Thọ cũng để phần chia cho các cháu. Sự thân thiện của bà khiến nhiều học sinh quý mến, có những tốp học sinh hôm nào đi học không thấy bà Thọ đâu là lại đi tìm. Có lúc bà đang lao động dưới sân trường lại thấy nhóm học sinh đứng từ trên tầng 4 gọi “Bác Thọ ơi” dù chỉ để vẫy tay chào cùng với nụ cười vui vẻ.
Khi được hỏi về kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thọ chia sẻ: “Kinh nghiệm gì cũng không bằng cái tâm. Tôi làm ở đâu, làm việc gì cũng nỗ lực phấn đấu, làm bằng nhiệt huyết và cố gắng đạt hiệu quả cao nhất”.
Vui khi làm việc tốt
Nhắc tới bà Nguyễn Thị Thọ, thầy, cô giáo và các em học sinh trong trường còn ấn tượng khi bà “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”. Đó là đầu giờ sáng 1-10-2022, trời mưa không quét được lá, nhưng bà Thọ vẫn đội nón, mặc áo mưa ra nhặt những cành cây nhỏ rụng xuống sân trường. Do trời mưa to nên các phụ huynh được đưa con vào tận khu hành lang lớp học. Khi các phụ huynh về rồi, bà Thọ nhặt được chiếc ví nên mang ngay ra tổ bảo vệ, rồi cả tổ bảo vệ và một thầy giáo cùng chứng kiến việc kiểm tra ví.
Sau khi biết trong ví có 5 triệu đồng cùng các giấy tờ tùy thân, sự việc đã được báo cáo lên Ban Giám hiệu nhà trường để tìm cách trao trả. Ngay sau đó, chủ nhân của chiếc ví là ông Đào Duy Bình tới trường xin vào tìm ví, xác minh đúng các thông tin xong, các thầy cô giáo, tổ bảo vệ đã để bà Thọ trao trả lại nguyên vẹn tiền và giấy tờ cho ông.
Gia đình ông Đào Duy Bình có kinh tế eo hẹp, số tiền trong ví là ông đi vay để sáng hôm đó đến nộp viện phí tại bệnh viện. Nghe ông Bình chia sẻ như vậy, bà Thọ càng cảm thấy nhẹ lòng vì mình đã làm được việc ý nghĩa.
Đó cũng không phải lần đầu bà Thọ nhặt được của rơi trả người đánh mất. Trước đây, khi còn làm giúp việc gia đình theo giờ, bà đã nhiều lần trả lại đồ đạc giá trị, tiền gia chủ để nhầm vào đống đồ bỏ đi, lần nhiều nhất số tiền bà phát hiện và trả lại là 20 triệu đồng.
Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, phong trào “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” đang được duy trì như một nếp sống đẹp, giống như sự tốt bụng, thật thà của bà Thọ. Nhà trường để một tủ đồ thất lạc, ai nhặt được gì để vào đó để chủ nhân có thể đến tìm lại. Nhiều lần bà Thọ và mọi người đã trả lại các cháu học sinh điện thoại, tiền, sách vở, khăn, áo khoác… để quên, hình thành cách sống đẹp cho trẻ em noi theo.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du Nguyễn Thị Lý cho biết: “Cô Nguyễn Thị Thọ hiền lành, chăm chỉ, rất yêu thương học sinh trong trường và được mọi người quý mến. Cô còn là người mẹ chịu thương chịu khó, chăm sóc nuôi dạy 4 con thành đạt”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.