Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSƯT Trần Lực: Chưa bao giờ thôi giấc mộng với sân khấu

Hoàng Lân| 21/02/2017 11:57

(HNMO) - Nổi tiếng với những vai diễn điện ảnh, truyền hình nên khi NSƯT Trần Lực đứng tên với vai trò đạo diễn vở “Quẫn” và giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016, không ít người bất ngờ.

Sự duyên dáng của NSƯT Trần Lực với cách thể hiện sân khấu ước lệ, cùng thông điệp mà anh và những học trò của mình ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh truyền tải khiến không ít người xem xong “nổi da gà”.

Vừa qua, vở “Quẫn” được công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, đánh dấu sự hợp tác giữa nhà hát và nhà trường, một mô hình đào tạo mà nhiều lớp nghệ sĩ mong muốn, hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ thăng hoa, ra mắt những sản phẩm sân khấu chất lượng. Nhân dịp này, NSƯT Trần Lực chia sẻ những tâm huyết của mình dành cho sân khấu.


Đạo diễn - NSƯT Trần Lực trả lời phỏng vấn báo chí.


* Anh là lứa nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam theo học chuyên ngành đạo diễn tại Bulgari, sao đến tận bây giờ anh mới làm công việc mà mình được học?


- Tôi học đạo diễn ở Bulgari, nhưng khi về nước cơ duyên thế nào tôi lại làm diễn viên. Tôi cứ hay đùa với bạn bè “cuộc đời xô đẩy” nên tôi cứ theo dòng đời ấy mà mải miết đi diễn xuất. Làm diễn viên cũng có niềm đam mê riêng, khi hóa thân thành những nhân vật khác nhau, diễn những mảnh đời khác nhau bạn sẽ bị hấp dẫn vô cùng. Tôi đã có quãng thời gian đáng nhớ, học hỏi được nhiều điều khi tham gia diễn xuất. Bây giờ, khi cái duyên với sân khấu đến, tôi thấy mình được trở về đúng niềm đam mê thuở ban đầu.

* Anh có chạnh lòng khi ở tuổi không còn trẻ nhưng lại được gọi là “đạo diễn trẻ”?

- Thì đúng là tôi mới tham gia vai trò đạo diễn ở lĩnh vực sân khấu nên dù tôi có nhiều tuổi đến mấy thì vẫn là “đạo diễn trẻ” thôi. Tôi không thấy chạnh lòng về điều đó, quan trọng là mình mang đến điều gì cho sân khấu chứ không phải vì chữ “trẻ” hay “già”.

* Hỏi thật, khi bắt tay thực hiện vở “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương - một tác phẩm đánh đố rất nhiều đạo diễn trước đây - anh có run không?

- Tôi run vì sung sướng chứ không phải run sợ. Khi thực hiện vở “Quẫn” tôi bị hấp dẫn đến không dứt ra được, nhiều công việc khác của tôi phải tạm gác lại. Vở “Quẫn” từng được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu đi trước dàn dựng thành công, bản thân vở diễn này với thông điệp và nội dung phản ánh một thời kỳ có thật của đất nước nên khi chuyển hóa nó thành vở diễn của thời đại ngày nay để khán giả cảm nhận được là một việc rất khó. Tôi đã sử dụng sân khấu ước lệ, một loại hình rất truyền thống của sân khấu Việt Nam chỉ hay thấy trong nghệ thuật chèo, tuồng để áp dụng cho vở. Khi hoàn thành được thử thách này, tôi thấy thật sự sung sướng, hạnh phúc.

NSƯT Trần Lực lần đầu tiên trong vai trò đạo diễn với vở "Quẫn" đã gặt hái nhiều giải thưởng trong Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016


* Lần đầu tiên làm đạo diễn, lại chọn một kịch bản “khó nhằn” cùng dàn diễn viên còn là sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh gặp trở ngại gì đáng kể?


- Các sinh viên của tôi hiện nay còn chưa nổi tiếng với công chúng nhưng các em ấy cũng từng tham gia diễn xuất rồi, vì thế tôi khẳng định là các em ấy không phải là những người ngu ngơ trong diễn xuất. Những người trẻ có ưu điểm là sự nhiệt tình, hồn nhiên và làm gì cũng thấy mới mẻ, hấp dẫn. Đó là lý do khi thầy trò chúng tôi dựng “Quẫn”, tất cả đều rất “say”. Vở “Quẫn” được dàn dựng với phong cách ước lệ, có nhiều yếu tố thể nghiệm, tôi đòi hỏi diễn viên phải vừa nói đài từ vừa nhảy, múa, hát... Bạn diễn viên thủ vai ông Đại Cát cao đến 1m80, diễn từ đầu đến cuối vở này, nếu không thật sự tập trung và nghiêm túc bạn ấy sẽ không còn sức để thở vì quá mệt. Đó quả thật là thách thức cho tất cả chúng tôi.

* Anh có định trung thành với công việc đạo diễn sân khấu?

- Sân khấu vốn là đam mê từ bé của tôi, vì từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi diễn và được sống trong ánh đèn sân khấu. Tôi thuộc tất cả các tích chèo cổ, mê mẩn các vai diễn. Công việc đạo diễn cũng là “nghề gia truyền” vì cha tôi là đạo diễn sân khấu. Khi tôi bắt tay làm đạo diễn với vở “Quẫn”, tôi biết ông sẽ rất vui vì “có thằng nối nghiệp”. Trước kia, khi đi du học về tôi và một số nghệ sĩ từng đi lang thang khắp Hà Nội để tìm một địa điểm thành lập sân khấu tư nhân. Nhưng rồi giấc mộng ấy không thành vì sân khấu Việt Nam đìu hiu, điều kiện để thành lập một sân khấu tư nhân khó thực hiện. Bây giờ, khi cái duyên đã đến, tôi nghĩ mình sẽ trở về với sân khấu.

* Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh - nơi anh đang giảng dạy - vừa hợp tác để phát triển nghệ thuật. Anh nghĩ gì về mô hình hợp tác này?

- Đây là một điều rất tốt với các em sinh viên và với cả Nhà hát. Các sinh viên sẽ có cơ hội, có địa điểm để thể hiện tài năng, sự sáng tạo và được tiếp cận với khán giả. Còn với Nhà hát, sẽ có điều kiện để chắt lọc, lựa chọn những gương mặt nghệ sĩ mới. Nếu nhà hát nào cũng kết hợp với các trường nghệ thuật thì chúng ta đã tạo ra được một vòng tròn cung - cầu hợp lý. Chúng tôi mong lắm những dự án kết hợp như vậy, khán giả có thể sẽ tìm thấy những điều mới mẻ và biết đâu đó là cách để sân khấu Việt Nam khởi sắc hơn.

* Cám ơn anh về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Trần Lực: Chưa bao giờ thôi giấc mộng với sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.