(HNMO) – Khi cùng bàn về chủ đề “Vô cảm thời @”, NSND Thanh Hoa, Hoa hậu thân thiện cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2007 Dương Thùy Linh đã không kìm được nước mắt, còn nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang với cách nhìn của một nhà báo lại có cách lý giải riêng về sự vô cảm hiện nay của con người.
* Giới trẻ hiện nay vô cảm hơn xưa?
“Vô cảm thời @” là chủ đề cuộc tọa đàm, giao lưu truyền hình trực tuyến do báo điện tử VnMedia, kênh truyền hình Life TV tổ chức vào ngày 14/12/2012 tại Hà Nội với sự tham gia của NSND Thanh Hoa; nhà báo – nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân và Hoa hậu Thân thiện Dương Thùy Linh.
NSND Thanh Hoa và HH Dương Thùy Linh khóc khi nói về sự vô cảm |
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội liên tục đăng tải những hình ảnh đáng báo động về sự vô cảm của con người với những nỗi đau, mất mát của người khác. Đó là tình trạng người bị tai nạn nhưng những người đi đường vẫn thờ ơ, đó là việc thấy những bất bình ở chốn công cộng như trên xe buýt nhưng không ai can thiệp… Có lẽ, cũng vì chủ đề khá nóng này đã khiến cho các nghệ sĩ bộc bạch một cách thẳng thắn và trực diện những lo lắng, suy nghĩ của mình.
Trả lời câu hỏi về những hiện tượng, hành động vô cảm được báo chí, truyền thông phản ánh thời gian qua, Hoa hậu Dương Thùy Linh chia sẻ: “Em nghĩ rằng các bạn trẻ đều biết suy nghĩ, biết tư duy, bản thân em buồn và có cảm giác sợ hãi cho tương lai. Không phải cho bản thân mình mà lo sợ cho thế hệ sau của mình, không biết con mình sẽ sống như thế nào trong một xã hội vô cảm như thế. Tình trạng này không phải diễn ra riêng ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới này. Em nghĩ rằng chúng ta phải tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng này”. Cô đã bật khóc khi nghĩ đến đứa con của mình, lo sợ một ngày con cái mình cũng vô cảm với chính mình.
NSND Thanh Hoa đồng ý kiến với Hoa hậu Dương Thùy Linh, bà thẳng thắn: “Bây giờ dường như mọi người "lãnh cảm" với nhau nhiều quá. Có lẽ càng sống lâu thì càng có nhiều lý do để thất vọng. Tôi thất vọng bởi một lẽ thời của tôi không thế”. NSND Thanh Hoa cũng nghẹn ngào khi kể câu chuyện từng đi hát từ thiện ở bệnh viện, chứng kiến những người bệnh đối diện với cái sống và chết nhưng vẫn khát khao được nghe hát, chị đã không kìm được nước mắt. Giới trẻ hiện nay hình như đã vô cảm với chính đồng loại của mình.
* Hãy bắt đầu từ nền tảng gia đình
Phân tích về nguyên nhân của sự vô cảm trong xã hội hiện nay, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng: “Không nên đổ hết cho giới trẻ về chuyện vô cảm hay không. Bởi sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa cái xấu và cái tốt, do hoàn cảnh tác động mà chúng ta bộc lộ mặt nào ra thôi”. Anh phân tích thêm: “Chúng ta đang phát triển theo cơ chế thị trường, ai cũng muốn leo lên đỉnh nên không tránh khỏi việc đạp đổ nhau. Ngày xưa chúng ta sống tương thân tương ái, nhưng bây giờ người ta đang sống để thành công. Ngày xưa chỉ vì một bài thơ, một câu nói, một ánh mắt nhìn...người ta đã có thể hóa giải nhiều thứ và tha thứ cho nhau, nhưng hiện nay, mọi thứ đều không có giá trị bằng phong bì”.
Các nghệ sĩ bàn luận sôi nổi với chủ đề "Vô cảm thời @" |
Với cách nhìn của một nghệ sĩ, NSND Thanh Hoa thì lại cho rằng lỗi một phần do giới truyền thông: “Giới trẻ hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ phương tiện truyền thông, trong khi bố mẹ lại quá bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền. Người ta nghĩ rằng, không có cơm gạo thì không thể sống, không có âm nhạc, thơ ca có thể không sao. Nếu suy nghĩ như thế thì còn đâu là cội nguồn văn hoá, bản sắc dân tộc. Ít nhất chúng ta phải có niềm tự hào là người Việt Nam, hiểu biết văn hoá Việt Nam thì mới hiểu và ứng xử theo văn hoá, tôn ti trật tự của xã hội Việt Nam”. NSND Thanh Hoa cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải quay lại cội nguồn, nếu không chúng ta sẽ bị sa đà. Trách nhiệm của báo chí rất lớn khi đang phản ánh quá nhiều điều tiêu cực.
Khắc phục tình trạng vô cảm, NSND Thanh Hoa thẳng thắn: “Chúng ta chưa cần nghĩ đến những điều quá to tát để khắc phục tình trạng vô cảm. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như tôn trọng luật giao thông, có ý thức khi đi đường. Không cần đao to búa lớn, nghị quyết, nghị định, hô hào phong trào nọ kia mà hãy bắt đầu từ chính mình, trong gia đình mình!”
Nhà thơ Hồng Thanh Quang lạc quan khi nhìn nhận sự vô cảm chỉ là hiện tượng: “Mọi người hãy làm tốt phận sự của mình, mỗi người làm tốt thì xã hội sẽ ấm áp. Chúng ta cứ làm tốt, sống tốt, từng người tốt thì xã hội sẽ tốt. Vô cảm chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của xã hội chúng ta”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.