(HNM) - Những người từng lo ngại về sự sa sút trong quan hệ Mỹ - Châu Âu chắc chắn đã có nhiều lý do để vui mừng. Tiếp nối sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cựu lục địa cách đây không lâu, châu lục có mối quan hệ lợi ích mật thiết với nước Mỹ cũng là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy. |
Sau những cuộc di dân khổng lồ của người Châu Âu tới vùng đất hứa mới mẻ tại Châu Mỹ, mối liên kết tự nhiên giữa hai bờ Đại Tây Dương đã trở thành một phần của lịch sử thế giới. Với mối quan hệ cộng hưởng trên mọi mặt từ chính trị, văn hóa, quân sự đến kinh tế, sự gắn bó giữa Mỹ và Châu Âu đã tạo nên một liên minh hùng mạnh và có vai trò trọng yếu trong việc định hình bản đồ chính trị và kinh tế toàn cầu trong hàng thập kỷ qua. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sau đó là Châu Âu quay cuồng trong cơn bão nợ công, việc thực thi những chính sách kinh tế đặc thù để tự cứu lấy mình dường như đã khiến quan hệ thân thiết này ít được nhắc đến. Thậm chí, sự đối nghịch giữa một nước Mỹ vung tiền chi tiêu qua ba gói kích thích kinh tế và một Châu Âu liên tục thắt lưng buộc bụng đã ít nhiều làm nảy sinh những nghi ngờ về sự "lệch pha" giữa hai bên. Do đó, chuyến công du của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ là lời khẳng định rõ ràng của Washington trong việc thắt lại sự gắn kết kinh tế có phần lơi là giữa xứ Cờ hoa và Cựu lục địa.
Cuộc trở lại Châu Âu cũng đã mang đến đáp số cho sự nghi hoặc rằng liệu chính quyền của Tổng thống Barack Obama có bỏ Châu Âu lại phía sau trong khi đã xác định chính sách chuyển trọng tâm về Châu Á đang tỏ ra năng động. Các cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Jacob Lew với lãnh đạo châu lục cùng hai người đồng nhiệm Đức và Pháp nhằm thảo luận những diễn biến kinh tế tại Châu Âu và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu phản ánh sự thật chưa thay đổi rằng Lục địa già vẫn là một đồng minh kinh tế cực kỳ quan trọng đối với nước Mỹ. Khả năng tiêu thụ hàng hóa dồi dào của châu lục phồn hoa đã đưa Châu Âu thành đối tác thương mại lớn nhất của xứ Cờ hoa. Dù cả hai đều tổn thất nặng nề vì khủng hoảng, nhưng trong năm 2011, kim ngạch thương mại song phương vẫn lên tới 444,8 tỷ euro, trong đó các doanh nghiệp Mỹ xuất sang Châu Âu 184,2 tỷ euro. Vì thế, thúc đẩy quan hệ kinh tế với các đối tác gần gũi tại Cựu lục địa chắc chắn vẫn nằm trong lợi ích chiến lược lâu dài của Washington. Dẫu rằng đang điêu đứng trong vòng xoáy nợ, nhưng Châu Âu chưa bao giờ là một thị trường kém hấp dẫn. Một khi cơn biến cố qua đi, lục địa này chắc chắn sẽ là niềm khao khát của nhiều doanh nghiệp Mỹ trong cuộc tìm kiếm điểm dừng chân cho dòng vốn được sinh ra từ các chương trình kích thích kinh tế.
Vì thế, Châu Âu mạnh mẽ hơn cũng đồng nghĩa với nước Mỹ sẽ hồi phục nhanh chóng. Đến bất kỳ đâu từ Brussels tới Berlin, ông Jacob Lew đều chia sẻ quan điểm của Washington rằng những người bạn ở Cựu lục địa cần chuyển hướng chính sách từ thắt chặt hầu bao sang thúc đẩy chi tiêu để mua sự tăng trưởng. Tuy nhiên, người khách từ nước Mỹ chưa thuyết phục được những người cầm cân nảy mực tại Brussels. Cuộc đối thoại với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Shchaeuble đã kết thúc với tuyên bố rằng những biện pháp tiết kiệm tại khối 17 quốc gia sử dụng đồng euro vẫn sẽ là kim chỉ nam để Châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài 3 năm. Phản ứng kiên quyết của trụ cột số một tại châu lục cho thấy rằng việc hai bờ Đại Tây Dương có chung một tiếng nói về chính sách là chuyện chưa thể có trong nay mai. Lập trường cho rằng Mỹ có lẽ nên du nhập những biện pháp khắc khổ của Lục địa già để giải quyết vấn nạn thâm thủng ngân sách phản ánh rõ sự khác biệt còn rất lớn trong điều hành vĩ mô giữa hai người bạn lưu niên.
Thế nhưng, sẽ là sai lầm nếu tin rằng sự trái chiều đang diễn ra sẽ kéo mây mù che phủ mối quan hệ kinh tế sống còn giữa Mỹ và Châu Âu. Bất luận thế nào, sự gắn bó này sẽ tạo đối trọng cần thiết cho cả Washington và Brussels giữa lúc trật tự chính trị, kinh tế thế giới đang được tái định hình với sự trỗi dậy của nhiều điểm sáng mới. Trong thông điệp liên bang đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama đã coi việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Liên minh Châu Âu là ưu tiên hàng đầu. Cuộc viếng thăm của tân Bộ trưởng Lew cũng gửi đi thông điệp về một chính sách đối ngoại toàn diện của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Xoay trục về Châu Á, thúc đẩy hòa đàm Trung Đông, củng cố quan hệ thương mại với Châu Âu, nốt thăng trong hòa khúc Đại Tây Dương là một phần của chiến lược duy trì ảnh hưởng toàn cầu như một siêu cường của Washington.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.