Góc nhìn

Nông dân trong kỷ nguyên số

Bắc Vũ 14/10/2023 - 06:27

Chúng ta đã, đang được nghe nhiều câu chuyện về những người nông dân một thời “chân lấm, tay bùn”, nay họ đã vượt qua những rào cản để tích lũy tri thức, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước tiếp thu công nghệ mới để nâng cao giá trị cho nông sản chính tay họ làm ra.

Dẫn chứng cho câu chuyện nông dân làm giàu trong kỷ nguyên số phải kể đến tấm gương của 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 được tuyên dương dịp 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2023). Trong đó, ông Lê Văn Sấm ở tỉnh Bến Tre với mô hình nuôi tôm biển (thẻ chân trắng) trên diện tích sản xuất 30ha áp dụng công nghệ cao, đã thu về lợi nhuận lớn nhất, đạt 50 tỷ đồng/năm.

Hay như ông Lâm Thành Thương ở tỉnh Bình Dương là nông dân xuất sắc năm 2023 khi có diện tích 120ha trồng cam sành, cam lòng vàng, quýt hồng, quýt đường, bưởi da xanh và xuất bán ra thị trường 5.400 tấn hoa quả/năm, tổng thu nhập 96 tỷ đồng và lợi nhuận thu về 10 tỷ đồng/năm. Bí quyết thành công của nông dân Lâm Thành Thương không phải ở sản xuất quy mô lớn, mà chủ động tìm kiếm thị trường…

Những nông dân Việt Nam xuất sắc thực sự là biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, sáng tạo đi đầu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhìn rộng ra, những tấm gương nông dân xuất sắc đã, đang là “đầu tàu” trong lĩnh vực của họ và đều có điểm chung là hòa nhập hiệu quả vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nói cách khác, họ chính là những nông dân trong kỷ nguyên số. Họ đều là những nhà nông năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, có giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Những hình ảnh dễ thấy hiện nay là không ít nông dân đã sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ mới để truy cập vào dữ liệu thời tiết, đất đai nhằm đưa ra quyết định tốt hơn cho việc canh tác cũng như tiếp cận phương pháp canh tác mới cho năng suất cao. Hơn thế, thương mại điện tử phát triển đã giúp nông dân tiếp cận một cách thuận lợi, mở ra “chân trời mới” trong tiêu thụ sản phẩm. Giờ đây, họ chỉ cần ngồi nhà là đã có thể kết nối được bạn hàng ở trên cả nước, thậm chí ở nhiều nơi trên thế giới thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…

Phát triển nông nghiệp trong kỷ nguyên số đang mở ra cơ hội cho nông dân tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản. Và hơn thế, kỷ nguyên số với những ứng dụng công nghệ mới giúp nông dân giải được nhiều bài toán hóc búa lâu nay về thiếu nhân công lao động, tìm kiếm bạn hàng và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng uy tín và thương hiệu nông sản…

Phải khẳng định, một thế hệ nông dân mới trong kỷ nguyên số đang hình thành, với những đột phá về nhận thức, kiến thức, ý thức và quyết tâm thay đổi thu nhập, chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn.

Tinh thần nhất quán nói trên đã được Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh rất rõ trong các chủ trương, chính sách lớn về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; và gần đây nhất, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định rõ: “Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị”.

Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Cụ thể hóa nhiệm vụ này trong bối cảnh thời đại kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ có nghĩa là các cấp, ngành, địa phương phải là "bệ đỡ" hình thành cho được tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, giàu tri thức. Từ đó, giúp người nông dân có thể tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quá trình phát triển của đất nước và quan trọng hơn là họ luôn thấy tự hào, hãnh diện với nghề làm nông, từ đó vươn lên sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi.

Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Khẳng định vai trò này trong kỷ nguyên số, người nông dân phải luôn nuôi khát vọng làm giàu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên tư duy công nghiệp và chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân trong kỷ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.