Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân, doanh nghiệp cùng “bạc mặt”

Ngọc Quỳnh| 08/06/2011 06:52

(HNM) - Dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là tôm sú, nghêu đang lây lan mạnh mẽ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây thiệt hại kinh tế cho nông dân, kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương tìm biện pháp tháo gỡ và khắc phục thiệt hại.


Vì sao dịch bệnh lây lan?


Kiểm dịch tôm giống, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người nuôi. Ảnh: Huy Hùng



Tổng cục Thủy sản cho biết, đến cuối tháng 5-2011, diện tích thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng của cả nước là 558.342ha, trong đó có 547.390ha nuôi tôm sú, tập trung ở các tỉnh khu vực ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Hiện diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở ĐBSCL lên đến 52.470ha, chiếm hơn 98% diện tích tổng thiệt hại của cả nước, Sóc Trăng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất. Toàn tỉnh có 21.000 hộ thả nuôi được 25.066ha với gần 3 tỷ con giống. Nhưng hiện đã có 19.800ha tôm chết của 15.640 hộ thả nuôi bị thiệt hại, chiếm 76% diện tích thả nuôi và gấp 30 lần so với diện tích thiệt hại cả năm 2010. Trà Vinh bị thiệt hại 6.546ha/22.050ha chiếm 30% diện tích thả nuôi... Nguyên nhân là do thời tiết bất thường, có mưa trái mùa, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng làm cho môi trường ao nuôi bị thay đổi, sức đề kháng của tôm giảm. Ngoài ra, tôm chết còn do bị bệnh hoại tử gan tụy, một loại bệnh mới xuất hiện. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh này mà chỉ phòng ngừa bằng cách xét nghiệm chọn con giống không nhiễm vi bào tử…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện dịch bệnh thủy sản đang lây lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL không những gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân mà còn dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. VASEP cho rằng, các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL chỉ hoạt động với 50% công suất do thị trường không cung cấp đủ nguyên liệu; gây khó khăn cho DN thực hiện hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ… Trong vòng tháng 7 và tháng 8 tới, ngành tôm sẽ thiếu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Hiện tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg có giá là 265.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá là 195.000 đồng/kg; loại 40 con/kg là 170.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 87.000 đồng/kg.

Tăng cường quản lý môi trường

Trước tình hình dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ cấp 120 tấn Chlorine từ quỹ dự trữ quốc gia cho các tỉnh ĐBSCL để dập dịch. Tổng cục Thủy sản yêu cầu các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo người nuôi ngừng xuống giống ở các vùng dịch bệnh đang phát sinh, môi trường không bảo đảm. Đồng thời chỉ nuôi một vụ, nếu thả nuôi hai vụ sẽ dễ gây ô nhiễm nguồn nước làm nguy cơ dịch bệnh càng lây lan, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý môi trường nhất là quản lý nguồn nước, nhập giống có nguồn gốc xuất xứ, cải tiến kỹ thuật chăm sóc và có chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, để dân khắc phục thiệt hại và tiếp tục đầu tư…

Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị của ngành đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng trên địa bàn cả nước. Kiên quyết rút giấy phép, dừng sản xuất ở các cơ sở sản xuất giống không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn dịch bệnh. Kiểm dịch 100% con giống xuất bán và thả nuôi từ các cơ sở sản xuất giống; tái kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi và cương quyết tiêu hủy đàn tôm giống bố mẹ bị nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra. Sở NN& PTNT các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Cục Thú y tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm và nghêu, hạn chế tối đa lây lan và giảm thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, đề xuất chính sách hỗ trợ dập dịch và hỗ trợ thiệt hại cho nông dân...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Các địa phương và đơn vị của ngành phải theo dõi diễn biến dịch bệnh, thu mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp phòng và điều trị có hiệu quả. Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn về thú y thủy sản cho nông dân để họ nâng cao kỹ thuật chăm sóc và biện pháp phòng trừ. Tổng cục Thủy sản hoàn thiện và sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản để áp dụng cho các trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng để từng bước nâng cao chất lượng con giống, nông dân yên tâm khi tái đầu tư sản xuất trong thời vụ sắp tới...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân, doanh nghiệp cùng “bạc mặt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.