Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” chuyện đi lại ngày giáp Tết

Gia Bảo| 09/02/2018 06:45

(HNM) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại các bến xe, nhà ga, sân bay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn đông nghẹt người từ khắp các tỉnh, thành khu vực phía Nam dồn về.

Người dân dồn về Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) để về quê đón Tết.


Ghi nhận những ngày qua tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Ga Sài Gòn (quận 3) và Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) - 3 đầu mối tập trung cao điểm người dân đi lại dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh, lượng khách đổ về đây đã rất tấp nập. Ở khu vực bán vé tại Bến xe Miền Đông, dù các hãng xe thương hiệu đều dán thông báo “cháy vé” nhưng nhiều người vẫn xếp hàng tìm cơ hội từ những chiếc vé bị trả lại của những hành khách khác. Còn tại Ga Sài Gòn, bên trong sảnh ga bắt đầu có nhiều tốp hành khách mang theo hành lý, quà Tết, chờ làm thủ tục lên tàu về quê. Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, ở ngoài sảnh chờ và đường vào sân bay luôn trong tình trạng nghẽn bởi hàng ngàn người từ khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... lên đón người thân là Việt kiều về quê ăn Tết.

Theo dự báo của Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, lượng khách đi lại tại các bến xe trên địa bàn thành phố trong dịp này tăng khoảng 5 đến 10% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 130% so với ngày thường. Trong ngày cao điểm, hành khách xuất bến có thể đạt trên 130.000 lượt khách/ngày.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, ước tính sản lượng hành khách qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dịp Tết âm lịch 2018 từ ngày 30-1 đến 2-3 (tức từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) đạt hơn 4,1 triệu người, tăng 25% so với Tết 2017; sản lượng cất, hạ cánh đạt gần 26.300 lượt chuyến, tăng 20% so với Tết 2017. Giai đoạn cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 30-1 đến 4-3, sân bay có sự phân bổ slot (giờ cất/hạ cánh) theo giới hạn 44 slot/giờ vào ban ngày và 37 slot/giờ vào ban đêm, nên tần suất bay trung bình trong giai đoạn này là 953 lượt chuyến/ngày (tăng 159 lượt chuyến so với cùng kỳ năm 2017). Ngày 21-2 (mùng 6 Tết) được dự báo là cao điểm nhất với 971 lượt chuyến/ngày.

Trước nhu cầu đi lại tăng đột biến trên, các hãng hàng không trong nước dự kiến tăng tần suất các chuyến bay từ 10% đến 15%. Về đường bộ, ngoài số lượng gần 52.000 xe khách liên tỉnh tuyến cố định và hợp đồng đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông - Vận tải thành phố sẽ tăng cường 80 xe buýt cho Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây, còn trong tình huống đột xuất sẽ tăng cường 120 xe buýt. Bên cạnh đó, tại 4 bến xe lớn nhất trên địa bàn thành phố gồm: Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga, trong 10 ngày trước Tết sẽ điều động gần 37.500 lượt xe, tăng 35% lượt xe so với ngày thường. Cũng theo đại diện các đơn vị vận tải có thương hiệu, hiện đã bán được khoảng 350.000 vé. Còn với các đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe bán, hiện chỉ có Bến xe Miền Đông bán được gần 400 vé. Như vậy, hiện các bến xe còn tồn đọng hơn 720.000 vé chưa bán được. Đây sẽ là “cứu cánh” cho những người dân chưa mua được vé xe.

Đối với đường sắt, dịp cao điểm Tết từ ngày 2-2 đến 3-3 (tức ngày 17 tháng Chạp đến 16 tháng Giêng), ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh tổ chức chạy thêm 7 đôi tàu Thống Nhất và 2 đôi tàu khu đoạn. Ngoài ra, ngành còn tổ chức chạy thêm 14 đôi tàu khu đoạn phục vụ hành khách đi du lịch từ Ga Sài Gòn đến các ga như: Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… Dịp Tết năm nay, ngành Đường sắt thành phố đưa vào 468 toa xe khách phục vụ, tăng 20 toa so với cùng kỳ. Hiện ngành Đường sắt còn khoảng 5.000 vé trong ngày cao điểm trước Tết, chiều TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, từ Ga Sài Gòn - Biên Hòa đi Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa và Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” chuyện đi lại ngày giáp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.