Sáng 20-10, hàng trăm người dân đến ga Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) trong ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Hành khách mua vé thuận lợi
Ghi nhận tại ga Sài Gòn (quận 3) sáng 20-10, trong ngày đầu bán vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng hành khách bắt đầu đến ga rải rác từ 6h sáng.
Tại khu vực bán vé tầng 1, sau khi lấy số thứ tự, hành khách ngồi chờ đến lượt mua vé, ghế trống khá nhiều, chỉ khoảng 1/3 lượng ghế có người.
“Tôi mua 8 vé khứ hồi cho 4 thành viên trong gia đình. Năm nay, mua vé thuận lợi, chỉ mất khoảng 5 phút là có vé tàu. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên giá vé tàu hơi cao so với thu nhập của gia đình tôi”, anh Nguyễn Quốc Bảo (quê Bình Định, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (quê Quảng Trị, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) bày tỏ: “Tôi đến ga gần 7h sáng nhưng hơn 8h mới mua được vé do bốc số thứ tự cao nên phải chờ đến lượt. Giá vé hơi cao nhưng do nhà tôi 5 năm rồi không về quê nên năm nay thắt chặt chi tiêu để có tiền về quê sum vầy Tết cùng gia đình”.
“Do lo sợ mua vé tàu Tết đông, lại không rành về công nghệ nên tôi đi từ Bình Dương lúc 4h sáng và đến ga Sài Gòn lúc hơn 5h. Đợi đến 8h khi ga mở bán vé tàu Tết thì lấy số thứ tự để mua vé cho 4 người trong gia đình về thành phố Vinh. Khi tới lượt, chỉ mất hơn 5 phút tôi đã mua được vé”, anh Trần Văn Hán (làm việc tại Tân Uyên, Bình Dương) kể lại "hành trình" mua vé của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Anh Tuấn cho biết, trước ngày mở bán vé, nhờ sự chu đáo trong khâu chuẩn bị nên công tác bán vé tàu Tết diễn ra thuận lợi. Mỗi hành khách khi đến ga đều được nhân viên ngành Đường sắt hướng dẫn chu đáo từ cách thức mua vé đến bấm số thứ tự để lấy vé… Do đó, trung bình mỗi hành khách chỉ mất khoảng 5 phút là có vé trên tay.
Bên cạnh đó, Chi nhánh đã sắp xếp 8 cửa chính thức và 1 cửa dự phòng để phục vụ bán vé Tết. Song song đó, tại tầng trệt vẫn mở bán vé để phục vụ khách hàng đến mua vé đi ngay và đi ngày thường.
Theo thông tin từ Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, đến khoảng 10h sáng cùng ngày, đã có hơn 300 khách tới nhà ga mua vé. Đường truyền và hệ thống bán vé ổn định.
Để quy trình mua vé được nhanh chóng, Chi nhánh đã chuẩn bị sẵn các phiếu để khách hàng điền thông tin trước khi đến quầy mua vé, lực lượng hướng dẫn khách hàng, thanh niên tình nguyện và an ninh trật tự được bố trí đầy đủ để hỗ trợ khách hàng.
Những khuyến cáo đến hành khách
Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, những năm gần đây, vào những dịp lễ, Tết, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hiện tượng bán lại vé tàu, hoặc giả làm nhân viên đại lý, nhân viên đường sắt nhận tiền mua vé của khách rồi sau đó cắt liên lạc. Do vậy, ngành Đường sắt khuyến cáo, hành khách không nên mua vé tàu được rao bán trên mạng xã hội.
Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân của hành khách trùng khớp với thông tin trên Thẻ lên tàu, bao gồm họ và tên, số CCCD/ CMND/ giấy khai sinh/ hộ chiếu.
Ngoài ra, trên mạng xã hội xuất hiện một số website bán vé tàu giống tên miền website của ngành Đường sắt. Do vậy, nhiều hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm website đó là của ngành Đường sắt và mua vé với giá cao hơn so với quy định.
Để bảo đảm quyền lợi cho hành khách, tránh mua phải vé giả, hoặc vé không đúng với quy định, ngành Đường sắt hướng dẫn hành khách kiểm tra lại vé điện tử của mình trên website bán vé của đường sắt.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền lưu ý, khi mua vé, người dân cần vào các kênh bán vé chính thức của ngành đường sắt như website: www.dsvn.vn; vetau.com.vn, giare.vetau.vn; tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc Đường sắt Việt Nam; qua ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ViettelPay, App bán vé tàu trên thiết bị di động; qua tổng đài bán vé Sài Gòn 19001520…
“Người dân cần hết sức chú ý bởi vé mua từ “cò mồi”, “chợ đen” sẽ không có giá trị đi tàu. Hiện, ngành Đường sắt cũng đã giới hạn số lượng vé bán cho mỗi lượt mua nhằm ngăn chặn các vấn đề có thể xảy ra”, ông Truyền nêu rõ.
Về giá vé, ngành Đường sắt thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá vé tàu Tết trong thời gian cao điểm sẽ được điều chỉnh tăng từ 1-4% tùy vào chặng tuyến và loại tàu. Sự điều chỉnh này dựa theo quy định và diễn biến thị trường, giá nhiên liệu...
Chiều 20-10, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin, đến nay, ngành Đường sắt đã bán được khoảng 20.000 vé trong tổng số hơn 37.000 vé đặt thành công.
Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Anh Tuấn cho biết, dù lượng đặt chỗ, giao dịch lớn, nhưng hệ thống bán vé online và bán vé trực tiếp đều hoạt động thông suốt, bảo đảm người dân mua vé dễ dàng.
Trước đó, từ ngày 15 đến hết ngày 19-10, ngành Đường sắt đã mở bán vé tập thể cho các đơn vị đã đăng ký với số vé đã bán ra trong 5 ngày là 3.500 vé.
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, từ ngày 26-1 đến hết ngày 26-2-2024 (tức từ ngày 16 tháng Chạp đến ngày 17 tháng Giêng), sẽ tổ chức chạy khoảng 390 chuyến với hơn 200.000 chỗ trên các đoàn tàu phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.