(HNM) - Mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan đột ngột căng thẳng trong vài ngày gần đây khi các vụ tấn công qua lại giữa binh sĩ hai nước ở Đường kiểm soát (LOC), biên giới thực tế giữa hai quốc gia này tại Kashmir lại diễn ra nóng bỏng.
Đường biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đang “tăng nhiệt” từng ngày. |
Biến cố mới nhất bắt nguồn từ việc New Delhi cáo buộc các phiến quân ở Pakistan là thủ phạm gây ra vụ tấn công vào căn cứ quân sự nước này tại Kashmir hôm 18-9 khiến 18 binh sĩ thiệt mạng. Do đó, Ấn Độ đã triển khai một nhóm đặc nhiệm xâm nhập qua biên giới và tiến hành các đợt “tấn công chính xác”, tiêu diệt khoảng 50 “phần tử khủng bố” tại những địa điểm đã định dọc biên giới với Pakistan tại Kashmir, phá âm mưu tấn công vào các thành phố lớn của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1971, binh sĩ Ấn Độ công khai vượt qua LOC với sự hỗ trợ của “hỏa lực tập trung”. Động thái này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Pakistan. Ngày 30-9, Islamabad thông báo tiến hành tấn công trả đũa làm “8 lính Ấn Độ thiệt mạng và bắt giữ 1 người”. Tuy nhiên, New Delhi chỉ xác nhận có 1 binh sĩ nước này bị bắt do vô tình vượt qua LOC.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, New Delhi đã di tản hơn 10.000 dân gần biên giới với Pakistan, yêu cầu quân đội tăng cường giám sát tuyến biên giới tại Jammu và Kashmir - một phần trong đường biên giới dài tới 3.300km giữa hai nước. Ngoài ra, toàn bộ làng mạc quanh khu vực 15km tại Jammu và phía Bắc LOC cũng được sơ tán. Những chuyển động này được Islamabad xem là bất thường. Đại sứ Pakistan tại Liên hợp quốc Maleeha Lodhi đã kêu gọi Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp để thông báo về tình trạng leo thang căng thẳng với Ấn Độ.
Về phần mình, New Delhi bên cạnh việc từ chối tham dự hội nghị cấp cao Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) - dự kiến được tổ chức ở thủ đô Islamabad của Pakistan trong tháng 11 tới - cùng tuyên bố cân nhắc khả năng rút quy chế tối huệ quốc (MFN) đã trao cho Pakistan. Ấn Độ nhấn mạnh, tình trạng các vụ tấn công khủng bố qua biên giới gia tăng trong khu vực và việc một quốc gia can thiệp ngày càng nhiều vào công việc nội bộ của các nước thành viên SAARC đã tạo ra bầu không khí không có lợi để tổ chức thành công hội nghị ở Islamabad. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, hợp tác khu vực và khủng bố không thể song hành với nhau.
Những xích mích giữa hai quốc gia láng giềng này đã ảnh hưởng sang các lĩnh vực dân sự. Hiện toàn bộ các rạp chiếu phim của Pakistan đều bị yêu cầu cấm chiếu phim Ấn Độ, bất chấp Bollywood có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại quốc gia này. Trong khi đó, một tổ chức các nhà làm phim Ấn Độ cũng yêu cầu các thành viên không được tuyển dụng diễn viên người Pakistan. Trước đó, khi có thông tin về việc Ấn Độ định xây dựng ba đập thủy điện trên sông Chenab, Jhelum và Indus, dư luận Pakistan cũng đã thể hiện sự bất bình do lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước và tác động nặng nề tới cuộc sống của người dân. Một số chính trị gia tuyên bố sẽ điều chiến đấu cơ tấn công các cơ sở cung cấp và xử lý nước của Ấn Độ.
Sự quyết liệt từ cả hai phía khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc, với lo lắng rằng những đợt giao tranh căng thẳng này sẽ đe dọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn năm 2003 giữa hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân, đều đòi chủ quyền với toàn bộ Kashmir và đang kiểm soát các khu vực riêng rẽ tại đây. Kể từ khi hai nước tuyên bố độc lập năm 1947, đã có ít nhất 3 cuộc chiến tranh xảy ra giữa hai bên mà 2 trong số đó liên quan tới tranh chấp Kashmir. Trước mắt, những căng thẳng tại biên giới đang đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đi xa dần mục tiêu đối thoại, hợp tác. Cộng đồng quốc tế đang dõi theo những chuyển động ở Nam Á, với mong muốn hai quốc gia sở hữu vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương sẽ tìm được cơ chế hóa giải bất đồng nhằm duy trì an ninh và hòa bình tại khu vực trọng yếu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.