Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội thành gian nan, ngoại thành chật vật

Thống Nhất| 22/12/2011 07:51

(HNM) -Mục tiêu của Hà Nội đặt ra là tới năm 2015 sẽ có 50% số trường học các cấp trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, thực tế tìm hiểu mới thấy, mỗi địa bàn lại có những cái khó riêng khiến cho chặng đường đến

Nội thành: Mối lo số lượng

Theo lộ trình, trong năm 2011, toàn TP sẽ xây dựng thêm 80 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100 trường học phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2012 cũng đã được điểm mặt, chỉ tên. Thế nhưng, tính đến hết tháng 10-2011, mới có 27 trường đủ tiêu chuẩn để được công nhận, tức là mới đạt khoảng 34% kế hoạch của năm. Nếu "tổng hợp mọi nguồn lực", tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt khoảng 75% vào cuối năm nay. Mối lo dần hiển hiện khi đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã dù đôn đáo đầu tư xây dựng, song cũng không giấu nổi sự lo âu.

Giờ học tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bảo Lâm


Qua khảo sát, diện tích đất bình quân của hầu hết các trường trong khu vực nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân ở mức 4,35m2/HS; tỷ lệ này ở các trường học của quận Hoàn Kiếm là thấp nhất - 1,81m2/HS. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, một trong những tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn quốc gia là nhà trường phải có diện tích mặt sàn sử dụng ít nhất là 6m2/HS đối với nội thành và 10m2/HS trở lên đối với ngoại thành.

Có lẽ cũng vì vậy mà trong 10 tháng đầu năm nay, một số quận kể tên ở trên đều không có thêm trường nào đạt chuẩn. "Mổ xẻ" để chỉ căn nguyên thì thấy rõ, những nơi này đều vượt chuẩn về chất lượng đội ngũ, đầu tư trang thiết bị, chất lượng giáo dục, song lại không thể vươn tới chuẩn vì quỹ đất có hạn.

Đơn cử như Đống Đa, nơi có tới 4 phường còn "trắng trường" mầm non và 10 phường còn thiếu trường tiểu học, THCS công lập. Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mới đây, sau khi đã rà soát cặn kẽ mà không ra được một chỗ đất nào, túng quá, lãnh đạo quận đã… chỉ bừa vào quỹ đất hơn 3.200m2 trên địa bàn do một cơ quan trung ương đang sử dụng và đề xuất TP thu hồi để xây trường mầm non. Loay hoay tìm quỹ đất xây trường đã khó thế, việc mở rộng trường để đạt tiêu chí chuẩn về diện tích là việc ngoài tầm tay của những người trong ngành giáo dục. Theo lãnh đạo quận Đống Đa, đã có trường trên địa bàn phải mua đất của nhà dân để mở rộng khuôn viên trường, thế nhưng không phải trường nào cũng áp dụng được phương án này. Từ nay tới năm 2015, Đống Đa cố gắng phấn đấu có thêm 8 trường được công nhận đạt chuẩn, nhưng với điều kiện phải được "ưu ái" về tiêu chuẩn diện tích.

Ngoại thành: Trăn trở với chất lượng

Kinh phí đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học còn ít là khó khăn chủ yếu của các trường khu vực ngoại thành. Đây dường như là khó khăn "đặc thù" ở khu vực này khi nhắc đến tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn. Tại huyện Mỹ Đức, hằng năm, kinh phí đầu tư cho GD-ĐT chiếm khoảng 50% tổng ngân sách, riêng năm 2011, tỷ lệ này lên tới 90%, nhưng trong giai đoạn này, huyện dành ưu tiên để xây thêm phòng học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu hiện nay. Thiếu thốn thế, nên việc cải thiện các trường hiện có để tiến tới tiêu chí trường chuẩn vẫn là bài toán khó giải đối với địa phương này.

Mắt thấy, tai nghe những khó khăn nơi đây, càng hiểu thêm về nỗi trăn trở của những người trong ngành trên chặng đường xây dựng trường chuẩn. Đó là tình trạng xuống cấp của các trường đã được công nhận chuẩn từ nhiều năm trước nhưng không có kinh phí để cải tạo. Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Dung cho biết, có tới 11/19 trường tiểu học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2000. Dù đã được kiểm tra, công nhận lại vào những năm sau đó, nhưng do cơ sở vật chất quá cũ, kinh phí duy trì chủ yếu là từ nguồn chống xuống cấp hằng năm vốn hạn hẹp nên các trường rất khó khăn. Còn ở Mỹ Đức, hơn 50 trường học hiện có đều thiếu phòng học chức năng, thư viện, hiệu bộ. Tổng số phòng học, phòng chức năng, hiệu bộ còn thiếu so với nhu cầu hiện nay ở các trường trên địa bàn huyện là hơn 900 phòng. Lãnh đạo huyện này còn bật mí rằng, có một số trường trên địa bàn huyện và khu vực lân cận từng được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng được "nợ" một số chỉ tiêu.

Thực tế rà soát những trường đã đạt chuẩn tại Mỹ Đức và một số huyện thấy, nơi thì không có nhà vệ sinh, trường có phòng thư viện nhưng không có sách, phòng đa năng lại chẳng có thiết bị… Khi còn ở cương vị Phó Chủ tịch UBND TP, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ việc "tụt" chuẩn hiện nay là trách nhiệm của các địa phương. Những nơi chưa bảo đảm tiêu chí thì địa phương phải có kế hoạch khắc phục. Thế nhưng, để đầu tư theo các tiêu chí trường chuẩn, theo lãnh đạo huyện Mỹ Đức thì vượt quá khả năng của địa phương, bởi mỗi trường cần đầu tư thêm ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Cho đến nay, "món nợ" ấy dường như đang dần bị quên lãng.

Đường tới đích của mục tiêu xây dựng trường chuẩn không chỉ chông gai ở những chặng cuối, nơi có nhiều khó khăn, mà xem ra cả những cung đường đã qua cũng vẫn cần được duy tu, bảo dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội thành gian nan, ngoại thành chật vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.