Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nổi sóng” vì tăng thuế tiêu dùng

Đình Hiệp| 05/04/2012 06:10

(HNM) - Chính trường Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ "nổi sóng" khi 21 nhân vật thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản (DPJ), trong đó có nhiều người là quan chức Chính phủ, vừa đồng loạt gửi đơn từ chức lên Tổng Thư ký Azuma Koshiishi.

Cuộc ra đi tập thể này không khiến dư luận đất nước Mặt trời mọc quá bất ngờ bởi "cơn sóng ngầm" đã âm ỉ từ trước khi Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda họp nội các ngày 30-3 để thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng - dự luật mà nhiều chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản vốn gặp khó khăn sau thảm họa động đất ngày 11-3-2011.

Tăng thuế tiêu dùng trong tình hình lạm phát có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản đi xuống.

Ngay từ khi lên cầm quyền tháng 9-2011, Thủ tướng Y.Noda đã đặt mục tiêu tăng thuế tiêu dùng nhằm giúp Chính phủ Nhật Bản trang trải một phần trong núi nợ công khổng lồ lên tới 44.000 tỷ yên (532 tỷ USD), chiếm khoảng 8,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu tăng 1% thuế tiêu dùng thì doanh thu từ thuế của Chính phủ sẽ tăng thêm 250 tỷ yên/năm và tăng thuế tiêu dùng 3% trong vòng 3 năm sẽ tăng thu 2.250 tỷ yên. Do đó, việc tăng thuế đánh vào người dân được xem là một giải pháp giúp nền kinh tế Nhật Bản cân đối lại tình trạng nợ nần. Vì thế, Thủ tướng Y.Noda khẳng định việc thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng lên gấp đôi vào năm 2015 là cần thiết để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trang trải những chi phí an sinh xã hội khổng lồ.

Theo dự luật, trong giai đoạn 1, thuế tiêu dùng mới sẽ tăng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014, sau đó tăng lên 10% vào tháng 10-2015. Tuy nhiên, việc đặt cược "sinh mệnh chính trị" để vực dậy nền kinh tế vào dự luật của Thủ tướng Y.Noda xem ra không hề đơn giản, bởi theo quy định, tất cả các dự luật đều phải được chuyển lên Quốc hội xem xét. Trong bối cảnh nội bộ DPJ cầm quyền cũng như các đảng đối lập đang kiểm soát Thượng viện không ngừng phản đối việc tăng thuế thì khả năng dự luật được Quốc hội thông qua là điều chưa chắc chắn.

Như một "gáo nước lạnh" dội vào quyết tâm của Thủ tướng Y.Noda khi một loạt quan chức trong nội các, từ Thứ trưởng Y tế Yoshio Maki, đến hai thứ trưởng Bộ Nội vụ Toru Kikawada và Ryo Shuhama, Thứ trưởng Giáo dục Yuko Mori Ryo… đồng loạt gửi đơn từ chức ngay sau khi dự luật được Chính phủ thông qua. Điều đáng nói, phần lớn trong số 29 quan chức Chính phủ vừa đệ đơn từ chức đều là những người ủng hộ cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa - người vốn phản đối kịch liệt chính sách tăng thuế tiêu dùng của Thủ tướng Y.Noda - với lập luận tăng thuế trong tình hình lạm phát sẽ càng làm cho nền kinh tế Nhật Bản đi xuống. Cho rằng hạn chế nợ công không có nghĩa là tiếp tục phá hủy nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế dựa vào tiêu dùng như Nhật Bản, những người phản đối dự luật lấy dẫn chứng năm 1997, khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5% đã đẩy nền kinh tế rơi vào một đợt suy thoái sâu, khiến nhiều ngân hàng sụp đổ. Nếu Chính phủ tăng thuế tiêu dùng, chắc chắn người dân sẽ hạn chế chi tiêu và đây sẽ là một đòn đáng kể, đẩy đất nước Mặt trời mọc một lần nữa rơi vào suy thoái.

Dù không thể đảo ngược được quyết định thông qua dự luật, nhưng sự kiện một loạt quan chức Chính phủ và DPJ từ chức cho thấy những rạn nứt trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Y.Noda. Nhận định trên càng có cơ sở khi Chủ tịch Đảng Quốc dân mới (PNP) Shizuka Kamei vừa tuyên bố rời khỏi liên minh cầm quyền. Tuyên bố được đưa ra khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) đối lập cũng kêu gọi Thủ tướng Y.Noda giải tán Hạ viện để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Điều này khiến sức ép lên nội các ngày càng tăng, bởi nếu dự luật không được Quốc hội thông qua sẽ là "nguy cơ" với Thủ tướng Y.Noda.

Báo cáo mới đây của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, cơ hội việc làm đã tăng từ mức 0,73% trong tháng 1 lên mức 0,75% trong tháng 2. Kết quả lạc quan này không có nghĩa những "tàn dư" sau sự kiện động đất, sóng thần ngày 11-3 với nền kinh tế Nhật Bản đã kết thúc. Số liệu mới nhất của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 2 đã giảm 1,2% so với tháng 1. Đây là đợt sụt giảm đầu tiên trong ba tháng qua. Trong bối cảnh như vậy, việc thông qua một dự luật gây nhiều tranh cãi không chỉ là thách thức lớn mà còn là phép thử với uy tín của Thủ tướng Y.Noda trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nổi sóng” vì tăng thuế tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.