Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi nắn lại những bước chân lầm lỡ

Nga Vân| 18/11/2014 07:18

(HNM) - Người lỡ sa chân vào con đường nghiện ma túy là vô tình đẩy gia đình vào cảnh

Trung tâm Chữa bệnh và giáo dục xã hội số IV có diện tích 24ha, nằm trên địa bàn xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Hiện tại, trung tâm đang chữa bệnh và giáo dục cho 958 người nghiện ma túy, trong đó có hơn 20 người nghiện ma túy đá, người cao tuổi nhất 62 tuổi, trẻ nhất 18 tuổi. Qua 12 năm hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận và cai nghiện cho hàng nghìn người. Sau thời gian 2 năm (đối tượng bắt buộc) và 6 tháng đến 1-2 năm (đối tượng tự nguyện), các học viên cai nghiện đã lần lượt được trở về gia đình, đa số họ đã tự tin hòa nhập xã hội.

Các trung tâm chữa bệnh và giáo dục xã hội luôn là mái ấm cho những người lầm lỡ.


Với đội ngũ 138 cán bộ, nhân viên, trung tâm có tới 25 người là cựu chiến binh, cựu quân nhân, đang nỗ lực trong việc cứu người lầm lỡ, tìm lại sự bình yên cho mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Tây Nam, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh và giáo dục xã hội số IV cho biết: Nếu không có sự kiên trì, sự tận tâm, tận lực của thầy giáo, sự nhẫn nại của học viên không thể vượt qua được giai đoạn cắt cơn nghiện. Chỉ có các thầy làm tốt liệu pháp tâm lý mới giúp học viên cắt cơn chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày.

Sau khi cắt cơn nghiện, trung tâm phân loại đối tượng để giáo dục và chữa bệnh cho phù hợp. Đặc biệt, trung tâm còn dạy chữ, dạy nghề cho các học viên. Có tới hơn 40 học viên đã được xóa mù chữ; học nghề theo khả năng và nhu cầu như nghề mộc, làm chiếu trúc, đồ thủ công mỹ nghệ, làm hàng điện tử, cơ khí… Sau giờ học tập, lao động trị liệu, các học viên được tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao, được chăm lo đời sống tinh thần, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cán bộ và học viên nơi đây còn tích cực tăng gia sản xuất. Mỗi năm, cán bộ, học viên trồng được hơn 200 tấn rau, củ, quả, nuôi trên 300 con lợn, hàng nghìn gia cầm, thu hoạch hàng nghìn kilôgam cá; năm 2014 trồng 1ha cây thanh long ruột đỏ, đã thu hoạch được hơn 2 tấn quả, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe và thể chất của học viên.

Việc dạy nghề cho học viên đã góp phần giúp trung tâm nâng cao hiệu quả cai nghiện. Đây không chỉ là hình thức lao động trị liệu mà còn là phương pháp giáo dục ý thức, trân trọng thành quả lao động của mỗi học viên; trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để họ sau này có cơ hội ổn định cuộc sống.

Trung tâm rất chú trọng tới xây dựng môi trường thân thiện, đặc biệt là quan hệ thầy giáo với học viên. Trung tâm còn tích cực phát động và xây dựng phong trào thi đua kỷ niệm các ngày lễ lớn, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào "Người tốt, việc tốt", phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì người nghèo"…

Ghi nhận những đóng góp tích cực, tập thể và nhiều cá nhân của trung tâm đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2006 và 2011; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố; Bộ Lao động - TB&XH… Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy của người không may lầm đường lạc lối, giúp họ tìm về cuộc sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi nắn lại những bước chân lầm lỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.