(HNMO) – Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP quý 1 có mức phục hồi rõ rệt, đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây.
Theo Phó thủ tướng, năm 2014, kinh tế Việt Nam tăng 5,98%, cao nhất trong 3 năm qua và vượt mục tiêu 5,8%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo dần phục hồi, xuất khẩu là trụ đỡ của tăng trưởng, song nông, lâm thủy sản trong hoàn cảnh khó khăn khi chỉ đóng góp 0,05% vào mức tăng trưởng chung. Cũng trong năm, bội chi ngân sách ước tính khoảng 5,3% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Bước sang năm 2015, sau 4 tháng đầu thực hiện, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP quý 1 có mức phục hồi rõ rệt, đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây , số thu ngân sách đạt khá . Tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu. Lãi suất tiếp tục giảm, đến nay điều chỉnh tỷ giá tăng 2% đã sử dụng hết mục tiêu định hướng cả năm 2015. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh , quốc phòng, an ninh được đảm bảo, việc tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới (IPU-132) được các nhà lãnh đạo nghị viện các nước trên thế giới đánh giá thành công mọi mặt góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đến cuối năm 2014, có 785 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới chiếm tỷ lệ 8,8% và có 1285 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí xã nông thôn mới chiếm 14,5% tổng số xã trong cả nước, đặc biệt có 02 đơn vị cấp huyện: huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh tỉnh Đồng Nai được công nhận cấp huyện có các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đầu tiên cả nước.
Ngoài ra, trên các mặt quản lý xã hội, chính quyền các cấp đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm, vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài; có nhiều giải pháp đồng bộ từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh trong nửa cuối năm 2014 và tiếp tục chịu nhiều sức ép trong nửa đầu năm nay có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách của một nước xuất khẩu dầu mỏ như Việt Nam. Kinh tế quý đầu năm nay tăng trưởng 6,03% - cao nhất so với cùng kỳ 5 năm, nhưng những hạn chế của năm cũ vẫn còn tồn tại sang năm nay như xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, người nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện "được mua, mất giá"; tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu giảm; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,2%; việc đề ra các chính sách hỗ trợ sản xuất của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; thị trường bất động sản, chứng khoán chậm phục hồi; việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của một số công ty chưa đạt yêu cầu; một số quy định mới về người lao động chưa đạt được sự đồng thuận cao, gây khiếu kiện đông người; tệ nạn xã hội phức tạp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều nơi; tai nạn giao thông còn nghiêm trọng…
Phó Thủ tướng cho biết, để khắc phục những tồn tại này, trong những tháng còn lại của năm nay, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp đã có, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra; phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 15-17%, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ giải phái tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, có cơ chế chính sách, hiệu quả tiêu thụ nông sản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Lo ngại xu thế nhập siêu lớn
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí, tình hình KT-XH năm 2014 có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, năm thứ 3 liên tục xuất siêu; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề, trong đó chú trọng đánh giá tác động toàn diện hơn về công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2014. Theo số ước thực hiện báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 và số liệu kết quả thực tế có sự chênh lệch quá lớn: CPI kế hoạch Quốc hội giao tăng khoảng 7,0%, số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tăng 4,5 - 4,6%, số liệu đánh giá lại chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013 bởi công tác dự báo...
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên, khu vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhất là đóng góp kim ngạch xuất khẩu tới 65% - 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ riêng SamSung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 10 tỷ USD trong 2 năm: năm 2013 xuất siêu 3,9 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 6,1 tỷ USD, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại rằng, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta.
Một số ý kiến cũng lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, 4 tháng đã nhập siêu 3 tỷ USD tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%, trong đó có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ, đồng thời lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu một số thị trường . Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới , trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế . Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.
Những tháng còn lại của năm 2015, dự báo tình hình diễn biến không thay đổi lớn so với dự báo đầu năm. Hầu hết các ý kiến tán thành báo cáo Chính phủ và cho rằng có nhiều khả năng sẽ thực hiện vượt mức tăng trưởng GDP 6,2% và thực hiện được các chỉ tiêu do Nghị quyết Quốc hội thông qua năm 2015.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban đề nghị Chính phủ phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác. Đồng thời, phải xây dựng phương án ứng phó khi giá các mặt hàng như giá lương thực, giá dầu và giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao trở lại. Triển khai kịp thời các đạo luật mới ban hành, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách toàn diện nền hành chính công, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nhằm tạo chuyển biến một cách căn bản, rõ nét hơn trong quá trình thực thi công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.