(HNM) - Dự thảo về biểu thuế ưu đãi đối với ô tô nhập khẩu từ các nước gia nhập WTO và khối ASEAN vừa được Bộ Tài chính đưa ra để lấy ý kiến các ngành, đơn vị có liên quan đang gây xôn xao dư luận.
Theo đó, từ ngày 1-1-2012, các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ đồng loạt áp dụng thuế suất 68-78%, thay cho 72-83% hiện hành; xe chở người loại dưới 10 chỗ nhập khẩu sẽ đồng loạt giảm thuế từ 3-5%. Liệu sự điều chỉnh giảm này có đi ngược với hàng loạt giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ô tô và xe máy, nhằm giảm ùn tắc giao thông?
Dù giá cao nhưng xe ô tô mới, nhập khẩu đưa vào lưu thông vẫn nhiều. |
Luật sư Trần Thị Gấm (Công ty Luật Basico): Có nhiều công cụ để giảm nhập xe ô tô
Việc giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô nhập khẩu từ các nước thuộc WTO và ASEAN là điều không mới, nằm trong lộ trình xóa bỏ thuế quan đối với ô tô nhập khẩu vào năm 2018 (tức là thuế suất nhập khẩu bằng 0%) theo thỏa thuận của nước ta với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, để hạn chế xe ô tô nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước và hạn chế xe ô tô lưu thông trên lãnh thổ, Nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ khác. Chẳng hạn, theo Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31-8-2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ, từ ngày 15-10-2011, mức phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) sẽ được nâng lên đến 10-20%, mức áp dụng cụ thể sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Như vậy, đối với những thành phố lớn, mật độ giao thông cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, HĐND thành phố có thể áp dụng mức phí trước bạ cao nhất để giảm tải xe ô tô lưu hành. Hoặc trước đó, ngày 12-5-2011, Bộ Công thương đã có Thông tư số 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, buộc các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô từ ngày 26-6-2011 phải có "Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý chính hãng" và "Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện"...
Ông Trần Mạnh Quân (kinh doanh ô tô trên địa bàn quận Long Biên): Giá bán ô tô sẽ không giảm nhiều
Thuế nhập khẩu ô tô giảm 3-5% không đáng kể so với tiền thuê địa điểm trưng bày, kho bãi, tiền thuê nhân công, phí bảo trì... ngày một tăng cao, nên giá xe ô tô nhập ngoại bán ra sẽ không ảnh hưởng nhiều, thậm chí không giảm. Đặc biệt, với quy định về thủ tục nhập khẩu ô tô hiện nay phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu dường như không thể có được giấy phép nhập khẩu, bởi các hãng xe thông dụng và được ưa chuộng nhất trên thị trường đều đã có liên doanh hoặc đại lý nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Do vậy, sẽ không có tình trạng thuế nhập khẩu giảm thì các doanh nghiệp ồ ạt nhập xe về như trước đây. Khi mà cung không đủ đáp ứng cầu thì giá bán xe trên thị trường không thể giảm. Do đó cũng không thể có hiện tượng "bùng nổ" ô tô mới trên các tuyến đường giao thông.
Bà Nguyễn Thị Dung (phường Cự Khối, quận Long Biên): Chính sách thuế điều chỉnh vĩ mô
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang gặp vấn nạn về ùn tắc giao thông nội đô, nhưng không phải vì thế mà người có nhu cầu sử dụng ô tô ngoài địa bàn của hai thành phố đó phải chịu "vạ lây". Hai thành phố này có thể áp dụng các biện pháp riêng để hạn chế xe ô tô cá nhân lưu thông ở từng khu vực cụ thể. Chính sách điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với ô tô nhập ngoại có tác động vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế và năng lực sản xuất - kinh doanh của đất nước, không chỉ là vấn đề ùn tắc giao thông. Không chỉ vì vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mà hạn chế tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp ở địa phương khác ít lo ngại về vấn đề giao thông, được sở hữu những chiếc xe giá rẻ, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Nam Cường (phố Đội Cấn, quận Ba Đình): Do quy luật cung - cầu điều chỉnh...
Giá ô tô trên thị trường Việt Nam hiện nay quá đắt, gấp 3-4 lần giá bán tại nước sản xuất. Một chiếc xe có giá 7.000 đô la Mỹ, sau khi cộng các khoản thuế và phí sẽ được bán trên thị trường Việt Nam khoảng 25.000 đô la. Với giá như vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu sẽ bị hạn chế khi đầu tư ô tô phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Từ đó, các doanh nghiệp vận tải phải đầu tư vốn ban đầu quá lớn, nảy sinh tình trạng đưa xe kém chất lượng, xe quá tải vào vận hành, lái xe chạy nhanh, chạy ẩu cướp khách, cướp chuyến hòng thu hồi vốn, sinh lời nhanh. Đây cũng là mối nguy hiểm tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông. Đó là chưa kể khi tham gia giao thông, đặc biệt trên quốc lộ, đường phố lớn, người ngồi trong ô tô sẽ an toàn hơn nhiều so với người ngồi trên xe máy. Do đó mới có nghịch lý đường càng ùn tắc, càng nhiều tai nạn giao thông, thì người có nhu cầu sử dụng ô tô để đi lại càng nhiều. Việc ô tô được nhập về và bán ra trên thị trường nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào quy luật cung - cầu, không chỉ đơn thuần là chính sách thuế. Bằng chứng là trong những năm qua dù giá đắt, thuế cao, số lượng ô tô 4 đến 9 chỗ vẫn liên tục tăng nhanh ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.