Thế giới

Nỗi lo chưa có hồi kết của Thổ Nhĩ Kỳ

Quỳnh Dương 07/10/2023 - 06:40

Bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa về mâu thuẫn sắc tộc cùng tham vọng thành lập nhà nước riêng, vấn đề người Kurd đã trở thành nỗi nhức nhối kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt một thế kỷ qua.

Theo các chuyên gia, lập trường cứng rắn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng nhiều đợt truy quét trên diện rộng sau vụ đánh bom liều chết hôm 1-10 nhiều khả năng sẽ làm gia tăng những vụ tấn công mới do người Kurd tiến hành tại quốc gia này.

tho-nhi-ky.jpg
Thổ Nhĩ Kỳ không kích khu vực người Kurd ở Syria.

Theo thông tin mới nhất, một tuần sau vụ đánh bom tự sát do thành viên nhóm Đảng công nhân người Kurd (PKK) thực hiện gần tòa nhà Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 145 người tình nghi đã bị bắt giữ trong chiến dịch tổng truy quét khủng bố với tên gọi “Những người anh hùng” do lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đồng loạt trên toàn lãnh thổ. Quân đội nước này cũng phát động 3 đợt không kích vào miền Bắc Iraq - khu vực có nhiều căn cứ của PKK.

Ông Omer Ozkizilcik, một nhà phân tích an ninh độc lập có trụ sở làm việc tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, vụ đánh bom liều chết hôm 1-10 là sự đáp trả của PKK sau khi Bộ trưởng Nội vụ mới Ali Yerlikaya tăng cường hoạt động của cảnh sát chống lại các nhóm tội phạm có liên quan đến PKK. Ngoài ra, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay không người lái tấn công liên tục ở Iraq và Syria đã khiến PKK và các chi nhánh của tổ chức này chịu nhiều áp lực.

Hiện tại, cộng đồng người Kurd có khoảng 30 triệu người, sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran. Họ có cùng văn hóa và nói một trong hai phương ngữ chính của tiếng Kurd. Suốt từ năm 1923 tới nay, người Kurd luôn đấu tranh để thành lập nhà nước của riêng mình và phải đối mặt với những cuộc trấn áp từ các chính phủ. Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1924 còn không cho phép sử dụng ngôn ngữ của người Kurd ở những nơi công cộng và thậm chí các từ “Kurd” và “Kurdistan” cũng bị cấm. Điều này dẫn tới việc có nhiều nhóm người Kurd khác nhau ở khắp khu vực Trung Đông như các nhóm phiến quân: Đảng công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria và Peshmerga ở Iraq...

Sau khi phát động cuộc đấu tranh bạo lực từ năm 1984, PKK bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ước tính, cuộc xung đột vũ trang liên quan đến PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần 4 thập niên qua đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK nhiều lần được khởi động nhưng sau đó lại bị đình trệ, bất chấp hai bên từng đạt một loạt thỏa thuận ngừng bắn.

Trên thực tế, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK từng có hy vọng chấm dứt xung đột vào tháng 7-2014, khi Tổng thống Abdullah Gul ký ban hành luật thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các phiến quân người Kurd từ bỏ vũ khí để trở về nhà, luật trên cũng trao cho Chính phủ quyền chỉ định những cá nhân và tổ chức tiến hành cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề người Kurd. Không ít nhà quan sát lúc bấy giờ đã gọi động thái này là “bước tiến lịch sử”.

Tuy nhiên, hòa khí giữa hai bên không kéo dài được lâu, nhất là sau khi ông Recep Tayyip Erdogan đắc cử Tổng thống. Là người có lập trường cứng rắn với PKK, ông đã kêu gọi quốc hội tước quyền miễn trừ của một số nghị sĩ đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) có quan điểm ủng hộ người Kurd.

Kể từ tháng 7-2015, khi thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng giữa hai bên đổ vỡ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hoạt động truy quét lực lượng người Kurd không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn mở rộng ra các khu vực thuộc vùng núi miền Bắc Iraq, cũng như mở chiến dịch nhằm vào nhóm YPG và PYD ở miền Bắc Syria. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, sự lớn mạnh của người Kurd tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập một nhà nước của riêng mình ngay sát vách Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù chưa bao giờ giành quyền kiểm soát một khu vực nào tại Thổ Nhĩ Kỳ như cộng đồng người Kurd đã làm tại Syria và Iraq, song PKK vẫn luôn là mối đe dọa đối với dân thường và lực lượng an ninh của quốc gia nằm ở 2 lục địa Á - Âu này. Nhiều nhận định cho rằng, việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động truy quét khó có thể “đè bẹp” mục tiêu mà PKK đã theo đuổi nhiều thập kỷ qua, thậm chí còn khiến gia tăng mức độ phản kháng, nhất là khi lực lượng này đang muốn có những hành động cụ thể bắt đầu từ ngày 8-10 đến tháng 3-2024 để chuẩn bị cho việc kỷ niệm ngày thủ lĩnh Abdullah Ocalan bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ (15-2-1999).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo chưa có hồi kết của Thổ Nhĩ Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.