Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, những ngày này, nông dân huyện Đan Phượng đã triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Trong những hoạt động đó có mô hình “Hàng cây nông dân” được hoàn thành tại nhiều xã, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tô đẹp bức tranh quê hương Đan Phượng.
Những ngày này, cán bộ và hội viên Hội Nông dân xã Đồng Tháp rất phấn khởi khánh thành đoạn đường “Hàng cây nông dân” trên tuyến đường Đồng Tháp 2.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Cường cho biết: “Đoạn đường “Hàng cây nông dân” dài gần 500m được trồng 25 cây vàng anh, 25 cây bàng Đài Loan, gần 100 cây hoa mẫu đơn và mai vạn phúc. Tổng kinh phí để trồng hoa và cây xanh này khoảng 30 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa và ngày công lao động của các hội viên chung tay”.
Cũng theo ông Cường, trước đó, năm 2022, trên tuyến đường này, Hội Nông dân xã Đồng Tháp đã thực hiện đoạn đường “Hàng cây nông dân” dài 450m. Tuyến đường từ khi có cây xanh, vừa tỏa bóng mát, vừa có hoa khoe sắc rất đẹp, điểm tô cho bức tranh quê ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.
Không chỉ ở Đồng Tháp, trong dịp này, tại xã Phương Đình và Trung Châu, cán bộ, hội viên nông dân cũng hân hoan khánh thành và treo biển công trình “Hàng cây nông dân” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu Trần Văn Thắng thông tin, trên địa bàn xã hiện có 4 tuyến đường “Hàng cây nông dân”. Do ảnh hưởng của mưa bão, nên những ngày gần đây, Hội cùng với các thôn đã tập trung lực lượng cắt tỉa, dọn vệ sinh những cành cây bị gãy. Trong dịp này, Hội đã gắn biển “Hàng cây nông dân tặng Trường THCS Trung Châu”. Hàng cây này gồm 100 cây osaka được trồng ngay trước cổng trường đã tỏa bóng và nở hoa rất đẹp.
Còn tại xã Hồng Hà, những hàng cây nông dân do cán bộ, hội viên trồng luôn bảo đảm đúng quy cách, trồng đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, góp phần hình thành các tuyến đường hoa, tuyến đường cây xanh kiểu mẫu của địa phương. Điều quan trọng, những hàng cây xanh này không chỉ tạo nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng, mà còn là một cách để giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong cộng đồng. Từ khi bắt đầu triển khai, bà con nông dân đã ủng hộ tích cực. Sau khi trồng, những hàng cây cũng được hội viên chăm sóc cẩn thận.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã trồng được 32 “Hàng cây nông dân”. Các hàng cây đều được thực hiện nhằm chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, Thủ đô và của huyện. Đặc biệt, các “Hàng cây nông dân” được thực hiện đều bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa cùng đóng góp công sức của bà con, hội viên. Các loại cây được lựa chọn trồng cho mô hình chủ yếu là cây phong linh, osaka, hoa ban, bàng Đài Loan… không chỉ làm đẹp nông thôn, che bóng mát, mà còn mang đến cho Đan Phượng những màu sắc rực rỡ của các loài hoa đẹp.
Từ những đóng góp của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Đan Phượng đã góp phần cùng huyện xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa các xã của huyện trở thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sớm nhất thành phố.
Không chỉ thực hiện những đoạn đường “Hàng cây nông dân”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024), những ngày qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã thực hiện chương trình nghĩa tình nông dân Thủ đô đoàn kết, sẻ chia. Hội đã tặng Hội Nông dân huyện Chương Mỹ 60 thùng mì tôm, giúp các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Hội cũng tặng 1 tấn ngô giống trị giá 70 triệu đồng cho các xã hỗ trợ nông dân; 300 gói chế phẩm sinh học Sumitri trị giá hơn 10 triệu đồng cho các xã xử lý môi trường…
Huyện hội cũng duy trì và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Hội Nông dân các xã, thị trấn phát động tới 100% cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung làm tốt công tác vệ sinh môi trường; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phòng, chống dịch gắn với xây dựng mô hình “Cánh đồng sạch”, “Cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ”, “ Cánh đồng nông dân thân thiện môi trường”, “Tuyến đường nông dân nở hoa, đường vẽ tranh bích họa, hàng cây nông dân, tuyến đê kiểu mẫu…”.
Đặc biệt, tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng vào sáng 26-9, Hội đã hỗ trợ hội viên nông dân toàn xã chế phẩm vi sinh để xử lý cây chuối và các cây thân mềm bị hư hỏng do bão số 3. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu Trần Văn Thắng, qua xử lý, các phế phẩm nông nghiệp đó sẽ trở thành phân bón hữu cơ, giúp nông dân bón cho cây trồng vụ mới, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất cho các hộ dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.