(HNM) - Thực hiện cam kết với cử tri, sau khi tái đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, ngày 1-10 vừa qua, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng.
Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ nội các đương nhiệm cũng như uy tín của DPJ cầm quyền bị suy giảm, cuộc cải tổ chính phủ lần thứ 3 liên tiếp chỉ sau một năm lên nắm quyền của Thủ tướng Y.Noda được xem là quyết định táo bạo nhằm vực dậy nền kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (giữa, hàng đầu) cùng các thành viên nội các mới.
Thay tới 10 trong tổng số 18 thành viên nội các, Thủ tướng Y.Noda đặt kỳ vọng lớn vào cuộc cải tổ lần này nhằm kiếm tìm sự ủng hộ lớn hơn của cử tri khi cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến sắp diễn ra. Song, không vì thế mà Thủ tướng Y.Noda tỏ ra mạo hiểm trong lần thay đổi nhân sự này khi vẫn giữ lại 8 gương mặt chủ chốt gồm: Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura, Phó Thủ tướng Katsuya Okada, Ngoại trưởng Koichiro Gemba, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Satoshi Morimoto... Trong số các bộ trưởng mới được bổ nhiệm, đáng chú ý là cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara - được chỉ định nắm cương vị Bộ trưởng Chính sách quốc gia, ông Koriki Jojima - phụ trách các vấn đề Quốc hội của DPJ cầm quyền được giao trọng trách Bộ trưởng Tài chính, một cựu Ngoại trưởng khác là bà Makiko Tanaka được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Giáo dục.
Dù không đề cập tới trong cuộc họp báo công bố nội các mới, nhưng việc Ngoại trưởng Koichiro Gemba vẫn nằm trong danh sách những nhân vật "nặng ký" được Thủ tướng Y.Noda giữ nguyên chức vụ trong nội các mới thể hiện sự ưu tiên tiếp nối những vấn đề còn dang dở trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và Hàn Quốc của Nhật Bản. Trên tinh thần đó, với ý định cho quốc gia láng giềng Trung Quốc thấy mong muốn hàn gắn quan hệ sau các tranh cãi liên quan tới chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Y.Noda quyết định bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Makiko Tanaka (68 tuổi), con gái của cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka - người đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1972 - làm Bộ trưởng Giáo dục.
Là bước đi được dự báo, nhưng cuộc "đại phẫu" này vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xứ Phù tang, bởi cách đây chưa đầy ba tháng Thủ tướng Y.Noda đã phải đưa ra một quyết định tương tự trong nỗ lực giành sự ủng hộ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập để thông qua Dự luật tăng thuế tiêu dùng. Sự kiện đạo luật gây quá nhiều tranh cãi được thông qua (10-8) đã "ghi điểm" cho Thủ tướng Y.Noda và nội các tiền nhiệm nhằm hiện thực hóa mục tiêu chính sách an sinh xã hội mà ông từng tuyên bố "đặt cược sinh mệnh chính trị" vào đó. Không những thế, đây còn là bước tiến lớn để nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hướng tới một nền tài chính an toàn hơn trong bối cảnh nợ công vượt mức 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng, việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014 và tăng lên 10% vào tháng 10-2015 lại đang trở thành nguyên nhân đẩy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Y.Noda rơi xuống "vùng nguy hiểm" dưới 30% - chỉ bằng một nửa mức 60% khi ông nhậm chức tháng 9-2011.
Trước áp lực ngày một lớn từ phía các đảng đối lập về việc giải tán Hạ viện trước thời hạn để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào mùa hè năm 2013, cuộc cải tổ vừa được thực hiện còn được kỳ vọng sẽ giúp Thủ tướng Y.Noda cũng như DPJ cầm quyền có thêm động lực để giải quyết những thách thức trên mặt trận kinh tế, an ninh quốc phòng lẫn ngoại giao. Đây cũng là cơ hội để Thủ tướng Y.Noda nhận thêm sự ủng hộ của cử tri sau một "cuộc chiến" để thông qua luật tăng thuế tiêu dùng.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, cho dù cuộc cải tổ nội các vừa thực hiện - như một thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ Nhật Bản nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay - cũng khó có thể giúp Thủ tướng Y.Noda nhanh chóng giành lại uy tín như đã từng có khi mới nhậm chức. Thách thức đang chờ Thủ tướng Y.Noda cũng như DPJ cầm quyền là không nhỏ khi LDP đối lập mới đây đã chọn cựu Thủ tướng Shinzo Abe làm nhà lãnh đạo mới. Do đó, nếu LDP đối lập chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nhiều khả năng ông Shinzo Abe - một người bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc - sẽ trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.