(HNM) - Biết bao xúc động khi chứng kiến sự chăm sóc ấm áp nghĩa tình, thương yêu, tròn đầy trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (xã Yên Bài, huyện Ba Vì). Họ đã và đang từng ngày thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho cựu chiến binh và con của cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Vượt muôn trùng khó
Trong tháng 7 và tháng 8-2022, các đoàn kiểm tra Chương trình số 08/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã thị sát nhiều cơ sở tại các địa phương đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người có công của thành phố. Một trong những điểm đến khiến mọi người rất xúc động, đó là Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Nơi đây, việc nuôi dưỡng nạn nhân không giới hạn về thời gian (nuôi dưỡng suốt đời), độ tuổi, tình trạng sức khỏe; kinh phí được Nhà nước hỗ trợ toàn phần.
Có thể cảm nhận rõ khó khăn, vất vả của những người làm công tác chăm sóc nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin phải vượt qua. Trong số 113 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được chăm sóc tại trung tâm, có tới 34 người bị liệt toàn thân, liệt tay, không tự phục vụ được bản thân; số còn lại cơ bản mắc bệnh tâm thần mạn tính. Với những người bị bệnh bại liệt, mọi hoạt động liên quan cá nhân, như ăn uống, vệ sinh, di chuyển đều cần sự trợ giúp của cán bộ, nhân viên trung tâm. Một số nạn nhân bị bệnh tâm thần luôn có những hành vi bất thường, có nguy cơ gây nguy hại cho bản thân và người xung quanh...; nhưng trên hết, cán bộ, nhân viên ở đây đã tận tụy, luôn hết mình chăm sóc bệnh nhân. Điều đáng trân trọng, bên cạnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân được thực hiện rất tốt, cảnh quan môi trường, khu vực phòng ở của nạn nhân luôn bảo đảm xanh, sạch, thoáng mát.
Để làm được điều này, rất nhiều giải pháp hiệu quả đã được trung tâm thực hiện. Cụ thể như: Lập sổ quản lý cá nhân cập nhật các thông tin chi tiết liên quan (tình trạng sức khỏe, bệnh tật, đặc tính của từng nạn nhân); phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng phòng ở, từng nạn nhân… Các cán bộ kiên trì thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ năng sinh hoạt; thường xuyên thay đổi thực đơn để nạn nhân ăn ngon miệng, ăn hết khẩu phần, bảo đảm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Tô Văn Thật chia sẻ: “Thông qua các hoạt động, một số nạn nhân đã dần có ý thức, biết làm một số công việc, như: Vệ sinh cá nhân đúng nơi quy định; không nói tục, chửi bậy; biết quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, tự xúc cơm ăn…”.
Để chăm sóc ngày càng tốt hơn
Để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị ngày càng tốt hơn, trên cơ sở khảo sát, thống kê về khả năng, nhu cầu của nạn nhân, trung tâm đã, đang triển khai một số hoạt động giáo dục, định hướng, xây dựng kế hoạch để dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho một số nạn nhân. Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Trần Đăng Khoa, hiện trung tâm đang hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan y tế đề nghị phê duyệt áp dụng phương pháp giải độc tố HUBBARD (còn gọi là phương pháp lọc máu không đặc hiệu của Mỹ) để hỗ trợ công tác điều trị. Tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng sự tiến triển của một số nạn nhân về sức khỏe, nhận thức, hành vi là nguồn động viên, khích lệ lớn để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng trung tâm như ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, qua đó tạo niềm tin cho gia đình nạn nhân và xã hội.
Ghi nhận sự chăm sóc đầy trách nhiệm, tận tình của cán bộ trung tâm đối với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, sự ra đời của trung tâm bước đầu khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của thành phố trong công tác chăm lo đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, tạo được sự đồng thuận đối với cộng đồng xã hội. Việc thành lập trung tâm thể hiện sự tri ân, biết ơn của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố đối với người có công, thân nhân của người có công với cách mạng, đặc biệt là với những nạn nhân không còn người thân và gia đình nạn nhân có nhiều người bị di chứng chất độc da cam.
“Cần tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại trung tâm, đáp ứng tổng thể nhiệm vụ nuôi dưỡng nạn nhân ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tốt chăm sóc người có công, thân nhân của người có công”, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.