Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi ám ảnh xuyên lục địa

Phương Quỳnh| 13/11/2015 06:31

(HNM) - Rạng sáng 12-11 (giờ Việt Nam) Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) và Liên minh Châu Phi (EU) khai mạc tại Valletta (Malta). Ngoài các mối quan tâm

Bất chấp nguy hiểm, hàng nghìn người di cư vẫn đổ về Châu Âu mỗi ngày.



Cuộc tập hợp Âu - Phi lớn nhất trong năm diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng người di cư đang làm "nóng" các diễn đàn thế giới. Theo công bố mới nhất của Cơ quan Kiểm soát biên giới EU (Frontex), có khoảng 1,2 triệu người di cư bất hợp pháp đã tới EU trong vòng 10 tháng của năm 2015, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2014. Hầu như ngày nào báo chí Châu Âu cũng đề cập tới những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng đang khiến các nhà lãnh đạo Cựu lục địa "điên đầu". Nước Đức là một ví dụ. Sau chính sách mềm dẻo tiếp nhận người nhập cư cách đây vài tháng, ngày 10-11, Chính phủ Đức đã áp dụng trở lại Hiệp định Dublin với người tị nạn Syria. Theo đó, Đức sẽ xem xét đưa người Syria xin tị nạn ở nước này tới một nước khác trong EU. Hiệp định Dublin quy định, người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn ở bất kỳ nước nào mà họ đặt chân đầu tiên khi vào EU. Tại đó, họ sẽ được đăng ký tị nạn và thậm chí được lưu trú tị nạn. Tuy nhiên, từ tháng 8, với lý do đơn giản hóa thủ tục tị nạn cũng như các lý do nhân đạo, Chính phủ Đức tạm thời không áp dụng quy định này với người tị nạn Syria, vốn chiếm phần lớn trong tổng số khoảng 800.000 người tị nạn tới Đức. Thế nhưng, trước áp lực người nhập cư, Bộ Nội vụ, Cục Di trú và Người tị nạn Liên bang Đức (BAMF) cho biết, Hiệp định Dublin sẽ được áp dụng cho công dân tất cả các nước có người di cư tới Đức cũng như các nước thành viên EU, trừ Hy Lạp.

Hỗn loạn cũng đã xảy tại thị trấn biên giới Presevo của Serbia khi hàng nghìn người di cư đã phải xếp hàng nhiều giờ để có được giấy đăng ký cho phép họ tiếp tục hành trình tới Tây Âu. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Seda Kuzucu, chỉ trong 50 giờ qua đã có khoảng từ 9 đến 10 nghìn người di cư đổ về Châu Âu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh thu hút hơn 40 quốc gia thuộc hai châu lục và nhiều tổ chức quốc tế đang diễn ra tại Valletta, các nước muốn thông qua một Kế hoạch hành động chung cho những năm tới. Trong đó có chính sách trao trả người di cư về quê hương, song vẫn mở cửa cho những người thực sự cần được quốc tế bảo vệ. Bên lề hội nghị, EU dự định sẽ khởi động một quỹ trị giá 1,8 tỷ euro cho các nước Châu Phi. Để hạn chế người di cư thông qua các biện pháp tạo công ăn việc làm, kích thích đầu tư, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Số tiền này có thể được tăng thêm để hỗ trợ các nước tích cực chống khủng hoảng di cư, đặc biệt là Sudan, Ethiopia hay Cameroon, nơi phải đối mặt với các làn sóng di cư từ bên trong rất lớn.

Tuy nhiên, ngay trong những giờ họp đầu tiên, đã xuất hiện bất đồng giữa EU và các đại diện Châu Phi liên quan đến dự định của EU xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba ngay ở Châu Phi. Lãnh đạo AU cho rằng, nhiều quốc gia thuộc Lục địa đen, trong đó có Ai Cập, phản đối kế hoạch này vì trên thực tế, người tị nạn bị giam giữ trong trại là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục và buôn người. Ngoài ra, AU cũng lo ngại các trung tâm như vậy có thể trở thành nơi nuôi dưỡng những phần tử khủng bố và cực đoan. Và như vậy, sẽ chỉ đào sâu hơn hố ngăn cách giữa các bên đang muốn giải quyết cuộc khủng hoảng.

Dự kiến, kết thúc hội nghị dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua một chương trình hành động và có một Tuyên bố chung. Thế nhưng, nhiều người đã nghi ngờ về một kết quả cụ thể cho dù đại diện EU và Châu Phi đã đi đến một số nhất trí về nguyên tắc ngay sau ngày nhóm họp đầu tiên. Các bên tham gia Hội nghị đều nhận thức được rằng các cuộc khủng hoảng di cư tiềm tàng giữa hai châu lục chỉ thể có được giải quyết bằng nỗ lực chung của cả EU lẫn AU. Thế nhưng, chỉ cuộc khủng hoảng di cư hiện nay đã là bài toán vô cùng hóc búa với cả hai để có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ám ảnh xuyên lục địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.