(HNM) - Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã ở mức thấp, dưới 2% trên tổng dư nợ, mức an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như cả nền kinh tế. Tính từ ngày 15-8-2017 đến 31-8-2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, nợ xấu đã được kiểm soát, với sự nỗ lực đáng kể của toàn ngành Ngân hàng.
Xử lý 9.600 tỷ đồng nợ xấu/tháng
Nợ xấu nội bảng là nợ xấu chỉ ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, không bao gồm các khoản nợ xấu chưa xử lý. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính trung bình từ ngày 15-8-2017 đến 31-8-2019, toàn hệ thống ngân hàng xử lý trung bình khoảng 9.600 tỷ đồng nợ xấu/tháng, cao hơn 4.700 tỷ đồng/tháng so với kết quả trung bình giai đoạn 2012-2017. Trong đó, các ngân hàng thương mại cũng nỗ lực không ngừng cho xử lý nợ xấu.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), 9 tháng năm 2019, ngân hàng đã thu hồi 2.862 tỷ đồng nợ ngoại bảng (các khoản nợ phát sinh nằm ngoài bảng cân đối kế toán), hoàn thành 82% kế hoạch được giao. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong xử lý nợ xấu. Theo đó, đã có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền trong công tác xử lý nợ xấu, giải tỏa được những "điểm nghẽn" của nền kinh tế.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam, từng là một trong những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) năm 2015, nợ xấu của Sacombank liên tục giảm, hiện ở mức 1,96%. Riêng 9 tháng năm 2019, Sacombank đã xử lý hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu so với mục tiêu đặt ra cho cả năm là xử lý 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, do tái cơ cấu danh mục cho vay, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, ngân hàng đã xử lý lượng lớn nợ xấu và tránh để nợ xấu phát sinh. Nhờ vậy, ngân hàng đã nằm trong nhóm có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống ngân hàng.
Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng và mua lại trước hạn toàn bộ 756,6 tỷ đồng trái phiếu VAMC - Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Nhờ đó, TPBank đã đưa số liệu nợ xấu xuống thấp, ngân hàng có thể chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu, cũng như tăng tính minh bạch.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng đưa nợ xấu xuống dưới mức 2%. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng đang tập trung hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh, hướng đến các dự án bảo vệ môi trường đúng theo chỉ đạo.
Nợ xấu sẽ giảm còn dưới 3%
Theo các ngân hàng, nguyên nhân chính giúp công tác xử lý nợ xấu trở nên tích cực hơn là nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14. Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội kết hợp với Quyết định 1058/QĐ-TTg (ngày 19-2-2017) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Quyết định 986/QĐ-TTg (ngày 8-8-2018) về phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và phát triển hệ thống ngân hàng có chuyển biến rõ nét. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu đến hết tháng 8-2019 là 4,84% (năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%).
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá: “Sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14, ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng, góp phần tháo gỡ các khó khăn và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.
Công tác xử lý nợ xấu còn có sự đóng góp lớn của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng. Từ năm 2018 đến hết tháng 8-2019, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 2.259 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 2.077 cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm yêu cầu các tổ chức tín dụng khắc phục sai phạm, hoặc chấn chỉnh, cảnh báo nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống… Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao thông tin liên quan đến 80 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Đánh giá về kết quả xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu xử lý nợ xấu đến năm 2019 là 5%, mục tiêu đến năm 2020 là 3% hoàn toàn thể đạt được. Phía ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải nâng cao năng lực, có giải pháp tăng vốn điều lệ để bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, có phương án kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng tín dụng, gia tăng nguồn vốn từ các lĩnh vực phi tín dụng, dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước cần sớm phê duyệt phương án tái cơ cấu các ngân hàng còn lại; chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện phương án mua lại các ngân hàng yếu kém, có cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh nợ xấu mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.