Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Võ Lâm| 25/06/2019 07:46

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, ban hành quy định để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

Công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.


Công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc

Sau nhiều lần trực tiếp làm và hướng dẫn người thân làm thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa” của thị trấn, ông Trương Xuân Viện (Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) nhận xét: “Các thủ tục hành chính và quy trình thực hiện đều được niêm yết công khai, cán bộ hướng dẫn tận tình. Tôi đã được phục vụ thật sự chứ không phải lo lắng kiểu làm việc “xin - cho” như trước”.

Còn chị Nguyễn Quỳnh Vân (phường Phú La, quận Hà Đông), chủ một công ty chuyên sản xuất suất ăn văn phòng chia sẻ: “Thủ tục nộp thuế từng là nỗi ám ảnh với tôi vì có lúc đi nộp thuế mà như đi xin. Thế nhưng mấy năm nay, mọi việc diễn ra nhanh và tiện lợi hơn. Tôi có thể tranh thủ ngoài giờ hành chính để kê khai thuế qua mạng”.

Đó chỉ là hai trong nhiều nhận xét tích cực từ kết quả của nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, xóa bỏ “xin - cho” được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện trong cả hệ thống chính trị thành phố thời gian qua.

Để có được sự hài lòng của người dân, Huyện ủy Mê Linh đã tập trung cải cách hành chính từ những việc rất cụ thể như xem xét, đánh giá từ trang thiết bị đến từng con người phục vụ ở bộ phận “một cửa” của các xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã ban hành kế hoạch tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Nơi nào không thực hiện tốt thể hiện ở ngay kết quả thi đua…

Trong khi đó, Đảng ủy Cục Thuế Hà Nội xác định đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho người nộp thuế có ý nghĩa quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng đạt xấp xỉ 100% và cũng gần 100% số tiền thuế được nộp theo phương thức điện tử.

Cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những biểu hiện suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ, mà thường thấy nhất là núp bóng thủ tục hành chính để sách nhiễu, thậm chí vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Nội đã tập trung giải quyết vấn đề này theo hướng công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Kết quả là Hà Nội hiện xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính. Hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp liên thông từ thành phố, các sở, ngành đến các phường, xã, thị trấn hoạt động cơ bản ổn định. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đạt mục tiêu 55% trong năm 2018 và đang phấn đấu đạt 80% trong năm nay.

Sẽ làm quyết liệt hơn nữa

Xóa bỏ cơ chế “xin - cho” là một trong những giải pháp về cơ chế, chính sách có ý nghĩa quan trọng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, muốn giảm “xin - cho”, phòng ngừa tiêu cực, phải giảm hơn nữa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ thủ tục hành chính. Vấn đề này sẽ tiếp tục được làm quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy cho biết, không chỉ tập trung cải cách hành chính, hằng năm, thành phố đều công khai, minh bạch trong các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, quy hoạch sử dụng đất đai, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Chính điều đó sẽ giảm thiểu sự “xin - cho”.

Cụ thể hóa tinh thần này, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đang tăng cường thực hiện các giải pháp công khai, minh bạch gắn với nâng cao chất lượng phục vụ nhằm xóa bỏ “xin - cho”. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ ngày 1-7 tới, Sở sẽ triển khai đồng loạt mô hình cơ quan điện tử, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4, bổ sung đầy đủ hơn các tiện ích phục vụ doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều quận, huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ nhà. Các địa phương như thị xã Sơn Tây, quận Long Biên, huyện Đông Anh, Hoài Đức đều sẽ tăng cường thanh tra công vụ gắn với kiểm tra việc tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong những tháng cuối năm.

Trong những nhiệm vụ năm 2019, thành phố xác định sẽ đặc biệt coi trọng việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố cũng đang chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án đẩy mạnh việc phát hiện xử lý những lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng, nhũng nhiễu trên địa bàn, giảm triệt để tình trạng “xin - cho”. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm vào cuộc của các cấp, ngành và mỗi cán bộ, đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.