Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới thông minh

Gia Bảo| 04/07/2022 07:38

(HNM) - Sau khi đạt những kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Bộ mặt nông thôn huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) đã thực sự “thay da đổi thịt” khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, thời gian tới, thành phố sẽ thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), giai đoạn 2022-2025.

Nông thôn mới thông minh là đưa công nghệ số vào cuộc sống ở nông thôn nhằm thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị. Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ tập trung ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi tốt nghiệp...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, huyện Củ Chi có quỹ đất nông nghiệp lớn với diện tích khoảng 17.000ha. Hiện, quỹ đất nông nghiệp này chưa được khai thác hiệu quả, đây là tiềm năng to lớn để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời là điều kiện lý tưởng để thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh. Để triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh thành công, ngành Nông nghiệp huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới và chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Về phía người dân, chị Văn Thị Mỹ Ái, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) cho rằng: “Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả trong việc xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là nền tảng giúp mô hình xã nông thôn mới thông minh sẽ thí điểm thành công và được nhân rộng trong tương lai”.

Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp, ngành Nông nghiệp thành phố cần thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao…

Triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giai đoạn 2020-2025, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025...

Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh thực sự thay đổi, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống của người dân tốt hơn. Thành phố đã huy động được 33.800 hộ dân hiến trên 3 triệu mét vuông đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giá trị hơn 3.300 tỷ đồng; huy động cộng đồng chung sức xây dựng hơn 2.300 tuyến hẻm, tổng chiều dài hơn 340km...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.