Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vượt khó, phát triển toàn diện

Hiền Lương| 23/01/2023 14:59

(HNM) - Trong năm 2022, tại các hội nghị, cuộc làm việc liên quan đến thành phố Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đều ghi nhận, đánh giá cao kết quả những mặt công tác Thủ đô đã đạt được, đồng thời bày tỏ mong muốn và tin tưởng thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, phát triển toàn diện. Báo Hànộimới xin trích giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến tiêu biểu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư:
Quyết tâm để Hà Nội phải khác bây giờ

Chúng ta đã biết có rất nhiều từ ngữ đẹp đẽ về Hà Nội như: "Hà Nội linh thiêng và hào hoa", "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Hà Nội là "niềm tin và hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau".

Tôi nghĩ, xét về từ ngữ thì không còn từ ngữ nào có thể đẹp hơn những từ mà các bậc tiền bối đã nói về Hà Nội… Mà định vị của Bộ Chính trị khi nhìn lại, “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” là rất quan trọng. Tôi nghĩ, từ nay đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết này (Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - PV) thì đây là tư tưởng rất quan trọng. Sau này có đổi mới, có nâng cao chất lượng, có bàn gì thêm thì cũng là những nội dung bên trong thôi, chứ “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Trong quá trình tham gia hoàn thiện nghị quyết này, tôi xin kể với các đồng chí nghe câu chuyện, có thể một số đồng chí lãnh đạo Hà Nội thì biết, một số đồng chí thì chưa chắc nắm được. Đó là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội có dẫn đầu Đoàn công tác sang châu Âu để nghiên cứu về phát triển đô thị. Khi đến London (thủ đô Vương quốc Anh) thấy có rất nhiều công viên quy mô rộng, đẹp thì mới hỏi tại sao nước bạn lại có những công viên đẹp như thế. Chúng ta biết rằng, Vương quốc Anh phát triển cách mạng công nghiệp từ thế kỷ XVII và xây dựng rất nhiều nhà máy, xí nghiệp ở giữa lòng thủ đô London. Khi đô thị phát triển, dân cư tập trung cao thì có nhu cầu di dời các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành, giống như mình bây giờ. Nhưng họ có quyết định rất hay là toàn bộ những diện tích xí nghiệp đó di dời ra ngoại thành thì không cho xây nhà ở mà để lại làm công trình công cộng, làm công viên. Đồng chí Bí thư Thành ủy mà giờ là Tổng Bí thư thấy vậy hay quá về bàn để ra nghị quyết chỉ đạo Ban Thường vụ Thành ủy chọn một số điểm để thí điểm theo nghị quyết đó...

Vừa qua, những nhà máy, xí nghiệp mà chúng ta di dời ra bao nhiêu trở thành dịch vụ thương mại, bao nhiêu trở thành công trình công cộng? Tôi biết, một số khu trụ sở cơ quan rời đi đã dùng quỹ đất làm nhà cao tầng, nhưng may là có tòa nhà di dời ra cũng làm nhà hát được, như trụ sở của Tổng cục Cảnh sát (phố Hàng Bài) dành để làm Nhà hát Hồ Gươm. Tôi nghĩ như vậy thì vài năm nữa Thủ đô của chúng ta sẽ đẹp thôi.

Tôi muốn kể câu chuyện đó để thấy rằng, khi làm thì phải quyết tâm. Và tôi còn nhớ trong hội nghị để bàn ra Nghị quyết số 15-NQ/TƯ thì đồng chí Tổng Bí thư có nói rằng, Hà Nội phải quyết tâm để Hà Nội phải khác bây giờ. Sông Tô Lịch mà vẫn đen, bãi rác ở Sóc Sơn mà vẫn để như vậy thì ra nghị quyết cũng không ăn thua gì, cũng không có ý nghĩa gì.

(Trích ghi phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị ngày 22-6-2022)

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương:
Cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng đều được các đồng chí thực hiện tốt

Xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.

Tôi ghi nhận, đánh giá cao Thành ủy, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”. Có thể nói, cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng đều được các đồng chí thực hiện tốt gắn với đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đạt những kết quả nổi bật.

Chúng ta đều biết rằng, năng lực cụ thể hóa là một trong những yêu cầu rất lớn của đổi mới phương thức lãnh đạo. Đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó. Từ kết quả khảo sát, đánh giá, có thể thấy, Thành ủy Hà Nội đã làm rất tốt nhiệm vụ này, không chỉ cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô, mà còn lựa chọn đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm, đột phá để giải quyết những vấn đề đặt ra.

Thành ủy Hà Nội còn làm rất tốt việc xây dựng và thực hiện các quy chế làm việc; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vừa có nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo theo tình hình để bảo đảm tính hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Hà Nội đã tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cấp ủy thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...

Đối với các kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn công tác sẽ ghi nhận đầy đủ, xem xét cụ thể để tham mưu Trung ương, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động của địa phương.

(Trích phát biểu kết luận của đồng chí Trương Thị Mai tại cuộc làm việc của Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 12-4-2022)

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương:
Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Tôi đề nghị thành phố Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác giám định tư pháp và định giá tài sản trong vụ việc, vụ án có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng để kịp thời phát hiện, xử lý từ đầu các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ đến lúc kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra và Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo xử lý.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn trong công tác phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực với yêu cầu tất cả nguồn tin về tội phạm phải được chuyển giao, tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực của các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, thuế, hải quan, quản lý thị trường trong quá trình chuyển giao, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo nghiêm túc việc rà soát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành.

Hà Nội cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố chủ động phối hợp tốt hơn trong công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

(Trích phát biểu kết luận của đồng chí Phan Đình Trạc tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 10-11-2022)

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Hà Nội là điểm tựa vững chắc cho phát triển của cả nước

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” một cách quyết liệt, kịp thời, chất lượng và đúng tiến độ. Dự thảo Báo cáo tập trung, toàn diện, bám sát Nghị quyết số 54-NQ/TƯ. Các tham luận của các sở, ngành thành phố rất cần thiết, đi vào cụ thể hóa, minh họa rất kỹ cho báo cáo của Thành ủy.

Tôi đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Trong đó, không chỉ duy trì tăng trưởng khá, kinh tế Hà Nội đã thể hiện rõ xu thế hiện đại trong cơ cấu. Các nhân tố và yếu tố phục vụ cho tăng trưởng bền vững của Thủ đô cũng rất rõ nét. Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực với thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn và tăng bình quân cao hơn mức tăng chung của cả nước.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ, có thể nói, Hà Nội là điểm tựa vững chắc cho phát triển của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đó, thời gian tới, tôi đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, như: Phát triển kinh tế tri thức dựa trên bốn trụ cột của kinh tế tri thức; nghiên cứu và thể nghiệm các mô hình mới, cách làm hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng; khai thác hiệu quả các hành lang phát triển, phát huy vai trò của Hà Nội trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế; tích hợp hiệu quả với các nhân tố mới, nguồn lực mới từ các cơ chế thí điểm; khai thác cơ hội và chủ động ứng phó với thách thức từ các hiệp định thương mại tự do; đón xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu, đón nhận các dòng vốn đầu tư mới hậu Covid-19; có các chính sách đúng đắn, cụ thể về phương án phân vùng, tiểu vùng, thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng để tăng cường liên kết vùng, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương.

(Trích phát biểu của đồng chí Trần Tuấn Anh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15-7-2022)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vượt khó, phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.