Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vì mục tiêu chuẩn văn minh đô thị

Mai Hữu| 04/03/2022 06:14

(HNM) - Việc xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại”. Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nỗ lực hoàn thành mục tiêu tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên vào năm 2025.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị từ 40% trở lên. Trong ảnh: Tuyến phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Triển khai hiệu quả các tiêu chí

Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị với các tiêu chí cơ bản và phù hợp với quy định của Trung ương, thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”, UBND thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên. Trong đó, các phường, thị trấn phải bảo đảm các tiêu chí chung như: 100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên; 100% tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; 90% hộ gia đình trở lên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Đặng Quang Hải cho biết, vừa qua, 12/12 tổ dân phố trên địa bàn đã ban hành quy ước xây dựng nếp sống trật tự, kỷ cương, môi trường sống vui tươi, lành mạnh. Đây là cơ sở để phường xây dựng các khu dân cư, tổ dân phố văn hóa, đoàn kết, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thiết thực xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Nhằm bảo đảm tiêu chí điểm vui chơi công cộng trên địa bàn, đồng thời quản lý các điểm đất công xen kẹt, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm cho biết, thời gian qua, phường đã triển khai xã hội hóa cải tạo mặt bằng và thiết bị vui chơi tại 3 tổ dân phố. Trong khi đó, theo bà Phùng Thị Xuyên (tổ dân phố số 3, phường Phúc Xá, quận Ba Đình), từ khi tổ dân phố có sân chơi ngoài trời với nhiều thiết bị tập thể dục được lắp đặt, người lớn và trẻ em đã có thêm nơi rèn luyện sức khỏe và vui chơi, giải trí… Được biết, đây cũng là biện pháp hiệu quả nhằm biến các khu đất trống thành sân chơi phục vụ lợi ích cộng đồng đang được các phường ngoài đê sông Hồng của các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm thực hiện.

Ở khu vực ngoại thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) Đỗ Xuân Trường cho biết: “Thời gian qua, thị trấn Đông Anh đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí đô thị và khớp nối hạ tầng nông thôn với đô thị theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, 40/40 tổ dân phố đã bảo đảm có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thể dục thể thao ngoài trời. Năm 2021, thị trấn có 98% hộ đạt gia đình văn hóa”.

Người dân phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) bóc gỡ quảng cáo, rao vặt.

Củng cố, xây dựng các thiết chế văn minh đô thị

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội, việc triển khai xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, tại một số địa bàn, việc bảo đảm trật tự xây dựng, an toàn giao thông, nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm; vệ sinh môi trường còn nhiều bức xúc; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để cơi nới nhà ở, kinh doanh, quảng cáo… diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, việc xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi chung còn khó khăn, nhất là tại khu vực nội thành.

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố, Sở sẽ tham mưu thành phố Hà Nội ban hành hướng dẫn tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, triển khai tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Song song, Sở cũng chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, quảng cáo, rao vặt, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng... nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sân chơi bổ ích, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô.

Thời gian tới, hướng đến xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp chia sẻ, quận tiếp tục nâng cấp, cải tạo 109 vườn hoa, sân chơi, 157 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, quận hướng dẫn các phường quy hoạch đất, dành mặt bằng để xây dựng mới khu vui chơi, điểm sinh hoạt công cộng; trong đó, quyết tâm tạo điều kiện thẩm định nhanh, hỗ trợ ngân sách để xây dựng, sớm đưa các công trình công cộng vào hoạt động.

Bên cạnh hoàn thiện các tiêu chí, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, bám sát chỉ đạo của thành phố, quận tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm chuyển tải nội dung đến nhân dân kịp thời, chính xác, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc xây dựng, giữ gìn, phát huy đời sống văn hóa, nếp sống văn minh… nhằm đạt được mục tiêu đến hết năm 2025 có ít nhất 3/13 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, việc xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị của thành phố Hà Nội sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vì mục tiêu chuẩn văn minh đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.