(HNM) - Ngày 20-12, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống công tác DS-KHHGĐ (26/12/1961 - 26/12/2016) với chủ đề “55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy chia sẻ, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong 5 năm gần đây, công tác dân số của thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ sinh con thứ ba có xu hướng giảm, tuổi thọ trung bình tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm… Đặc biệt, trong năm 2016, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: Triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 30 quận, huyện, thị xã, mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc sức khỏe cho nam giới...
Ngành Dân số Hà Nội tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. |
Đánh giá chất lượng công tác dân số Thủ đô thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến hết năm 2015, tổng dân số Hà Nội là hơn 7,48 triệu dân. Thành phố đã hoàn thành 4/5 chỉ tiêu của Nghị quyết về một số giải pháp tăng cường công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2015. Tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, đó là quy mô dân số đông, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cao, dân số cơ học tăng cao hơn tự nhiên. Chính vì vậy, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã có kết quả bước đầu nhưng chưa ổn định, và chưa hoàn thành được chỉ tiêu, theo sau đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).
Những năm qua, tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2015, Hà Nội khống chế được tỷ số MCBGTKS xuống mức thấp nhất trong gần chục năm qua, đạt tỷ lệ 114 trẻ trai/100 trẻ gái nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (112,7 trẻ trai/100 trẻ gái). Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình trạng MCBGTKS tăng nhanh và “nóng” hơn bao giờ hết, lên tới 114,4 trẻ trai/100 trẻ gái, ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mại dâm nữ, nam và độ tuổi mại dâm trẻ hóa, gia tăng các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, Ngành Dân số Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp đưa tỷ lệ MCBGTKS trở về mốc 114 trẻ trai/100 trẻ gái tính đến hết tháng 12-2016.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có quy mô dân số ở mức 8,5 triệu người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,2%; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân 0,1%/năm. Tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh tối thiểu đạt 75%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tối thiểu đạt 85%. Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 114 trẻ trai/100 trẻ gái... |
Tăng cường giám sát, thanh tra
Thời gian tới, thành phố đặt mục tiêu ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Mặt khác, các cấp, ngành cần tiếp tục bảo đảm nguồn lực để hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu về dân số giai đoạn 2016-2020, ưu tiên cho các vùng còn khó khăn của thành phố, vùng có mức sinh và số sinh con thứ ba trở lên còn cao...
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số cần tiếp tục được tăng cường và đổi mới cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tuyên truyền sao cho người dân xóa bỏ định kiến về giới tính, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thực hiện công tác dân số. Các chương trình, đề án, dự án phải được triển khai có hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra như: Thực hiện hiệu quả chiến lược giảm thiểu MCBGTKS và đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm số trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ béo phì, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Để đạt được mục tiêu này, việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ở các cấp, đặc biệt là ở các quận, huyện, thị xã có vai trò quan trọng. Thêm vào đó, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất các phòng khám siêu âm, cơ sở dịch vụ y tế hỗ trợ sinh con theo ý muốn, nghiêm cấm chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.