(HNM) - Hà Nội đặt mục tiêu cao và đang nỗ lực, quyết liệt thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay có sự chênh lệch giữa các huyện ven đô với một số huyện thuần nông, huyện miền núi trong xây dựng nông thôn mới...
Nhờ thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, đường làng ở xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã được cải tạo khang trang, thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Nhật Nam |
Kết quả chưa đồng đều
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, toàn thành phố hiện có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã. Bên cạnh nhiều huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì thì vẫn còn một số huyện tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp như: Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ...
Chủ tịch UBND xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Vũ Văn Mạnh cho biết, địa phương đang phấn đấu “về đích” xây dựng nông thôn mới trong năm 2017. Khó khăn lớn nhất của xã là tiêu chí trường học và điện. Hiện nay, xã mới có 2 trong số 3 trường đạt chuẩn. Trường Trung học cơ sở Quảng Bị chưa đạt tiêu chí do bị xuống cấp, diện tích hẹp, thiếu các phòng chức năng. 50% hộ dân trong xã vẫn phải dùng cột thấp và dây trần, không bảo đảm an toàn... Nhìn rộng hơn, theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, hiện toàn huyện mới có 18/30 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã khác đã đạt từ 17 đến 18 tiêu chí; 9 xã còn lại đạt từ 12 đến 16 tiêu chí. Chương Mỹ phấn đấu đến hết năm 2017, có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tương tự, huyện Ứng Hòa hiện mới có 12/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, huyện đăng ký với thành phố có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Dương Hồng Điệp, cán bộ Phòng Kinh tế huyện cho biết: Ứng Hòa là huyện thuần nông, thu ngân sách hằng năm thấp. Do vậy, các tiêu chí liên quan đến xây dựng hạ tầng thực hiện rất chậm. Trong khi đó, đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn đầu tư cho nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do thủ tục kéo dài và giá trị của đất không cao...
Tại huyện miền núi Ba Vì, số xã đạt nông thôn mới còn thấp hơn, hiện mới có 10/30 xã (chiếm 33%) đạt chuẩn nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, tiến độ triển khai nông thôn mới trên địa bàn huyện còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ tiêu chí đạt không đều giữa các vùng, đặc biệt là ở các xã miền núi...
Tập trung nhiều giải pháp
Nhiều huyện cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư để đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ mỗi xã 5 tỷ đồng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017. Tuy nhiên, hiện chỉ có các xã thành phố giao chỉ tiêu được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, việc xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương vẫn phụ thuộc vào vốn ngân sách, nguồn xã hội hóa rất thấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần thừa nhận, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới từ ngân sách còn eo hẹp, các xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch khai thác nguồn lực địa phương mà còn "tư tưởng" trông chờ kinh phí hỗ trợ từ cấp trên...
Bên cạnh những khó khăn "căn bản" nêu trên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí “mềm” tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững nếu không được quan tâm thường xuyên. Đơn cử như tiêu chí số 17 gồm môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2072/ QĐ-UBND ngày 30-4-2017 của UBND thành phố) được đánh giá là khó. Cụ thể, yêu cầu “100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm”. Đây là vấn đề rất rộng, cần sự phối hợp trách nhiệm và biện pháp xử lý quyết liệt của các lực lượng quản lý, kiểm tra, giám sát...
Để gỡ "nút thắt" trong xây dựng nông thôn mới, các huyện đang tập trung nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, huyện Ba Vì yêu cầu các xã đăng ký “về đích” năm 2017 chủ động xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần theo kế hoạch được duyệt; lựa chọn các nội dung, chỉ tiêu đầu tư để nâng thêm điểm; tập trung huy động nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện. Huyện Ứng Hòa thì ưu tiên đầu tư, phân bổ vốn cho các dự án xây dựng hạ tầng nông thôn như: Giao thông ngõ xóm, nội đồng, kênh mương. Ngoài ra, huyện vận động nhân dân xã hội hóa đầu tư các công trình phúc lợi như: Trồng cây xanh, cải tạo ao hồ làm đẹp làng xóm…
Mới đây, qua các đợt kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU yêu cầu các huyện cần đẩy mạnh huy động đa dạng nguồn lực, đặc biệt phát động tinh thần toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới để cộng đồng sức mạnh về nhân lực, trí lực và tài chính... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ: Tiêu chí về xã nông thôn mới của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra cao hơn giai đoạn trước. Quan điểm của thành phố là không chạy theo thành tích, tuyệt đối không được “nợ” tiêu chí. Do đó, để đạt chỉ tiêu nông thôn mới như đã "hẹn", cùng với phát huy lợi thế, nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía, các địa phương cần nỗ lực và quyết liệt hơn trong từng phần việc xây dựng nông thôn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.